Tổng thống Trump đang phải đối diện với một “bài kiểm tra” quan trọng trong chính sách đối ngoại và phương án giải quyết đối với vấn đề ở Venezuela.

Thách thức với ông Trump

Chính quyền ông Trump đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng rằng nước Mỹ không coi ông Nicolas Maduro là tổng thống của Venezuela nữa, công khai thừa nhận và ủng hộ Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido là “tổng thống lâm thời” của nước này.

Ông Trump còn đi xa hơn khi thúc giục quân đội Venezuela từ bỏ chính quyền ông Maduro. Những động thái này mạnh mẽ hơn rất nhiều so với “lằn ranh đỏ” mà ông Barack Obama từng đưa ra đối với tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Cho tới nay, áp lực từ ông Trump vẫn chưa thực sự hiệu quả. Ông Maduro vẫn cứng rắn “chống trả”, và quân đội Venezuela vẫn trung thành với chính phủ hiện tại. Mặc dù cấm vận của Mỹ có gây ảnh hưởng tiêu cực, nhưng nó cũng tạo nên hiệu ứng “đoàn kết” đối với người dân của quốc gia Nam Mỹ. Đây là điều đã xảy ra đối với một số nước khác như Cuba, Triều Tiên và Iran.

42 1 Neu Ong Trump Chun Tay Chi 1 Nam Nua Tien Va Vu Khi Cua Nga Se Ngap Tran Venezuela

Ảnh minh họa: GETTY

Venezuela là một quốc gia phức tạp và bị chia rẽ nội bộ. Ông Maduro, người kế nhiệm những di sản của ông Hugo Chávez, đã nhận được sự ủng hộ nhất định ở những vùng nông thôn. Không chỉ có vậy, ông Maduro còn được Nga hỗ trợ rất nhiều.

Moskva hiện tại đã xác nhận việc gửi các binh sĩ Nga tới Venezuela. Hai máy bay quân sự của Nga đã tới Venezuela vào hồi tuần trước, đem theo khoảng 100 quân nhân.

Đây là động thái mới nhất của Moskva trong việc ủng hộ ông Maduro. Trong nhiều năm qua, Nga đã cũng cấp bột mì, vũ khí, tín dụng và tiền tệ cho chính quyền Caracas. Ước tính, Nga đã đầu tư vào Venezuela một khoảng tiền từ 20 tỉ USD tới 25 tỉ USD.

Nga hiện kiểm soát gần một nửa công ty khai thác dầu mỏ Citgo – nguồn thu nhập chính của chính phủ Venezuela. Trong khi đó, quân đội Venezuela hầu như chỉ sử dụng vũ khí do Nga chế tạo, cung cấp.

Tầm quan trọng của Venezuela

Theo Washington Post, “canh bạc” Venezuela dường như có ý nghĩa quan trọng đối với cá nhân tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong những năm gần đây, khi nền kinh tế Venezuela thất bại và tình trạng bất ổn chính trị ngày càng gia tăng, thậm chí nhiều công ty Nga đã từ bỏ đất nước này và cho rằng có quá nhiều rủi ro tồn đọng.

Tuy nhiên, công ty nhà nước Rosneft của Nga vẫn bám trụ và thậm chí còn tăng cường sự ủng hộ đối với ông Maduro. Công ty này được điều hành bởi ông Igor Sechin, người có mối quan hệ thân thiết với ông Putin và thường được gọi là “người quyền lực thứ 2” tại Nga, chỉ sau tổng thống Nga.

Hay nói cách khác, ông Putin đã tập trung toàn bộ sự ủng hộ cho ông Maduro. Đương nhiên, ông Putin làm việc đó để ủng hộ một đồng minh lâu năm, tăng cường vị thế của Nga trên thị trường dầu mỏ thế giới.

Nhưng trên hết, việc hỗ trợ Venezuela sẽ thúc đẩy mục tiêu chiến lược trong chính sách đối ngoại của ông Putin – đó là hình thành liên minh các nước có thể kìm hãm sự bành trướng của Mỹ và qua đó, hình thành nên thế giới đa cực hơn.

Ông Putin dường như đang nỗ lực “khiêu khích” Mỹ – quốc gia từng đưa ra học thuyết Monroe vào năm 1823, cảnh báo những thế lực nước ngoài về việc tránh xa khỏi lãnh thổ của các nước phía Tây bán cầu.

42 2 Neu Ong Trump Chun Tay Chi 1 Nam Nua Tien Va Vu Khi Cua Nga Se Ngap Tran Venezuela

Ảnh: Maxim Shemetov/Reuters

Câu hỏi lớn đối với Washington hiện tại là: Mỹ có cho phép Moskva xâm phạm lằn ranh đỏ của Mỹ hay không? Mỹ và Nga đã có những quan điểm đối lập, bất đồng về vấn đề này.

Và cũng như trong chuyện ở Syria, có khả năng rằng, nếu Washington không làm như đã nói, thì trong vòng một năm tới, chính quyền ông Maduro sẽ nhận được sự ủng hộ vững chắc với cả vũ khí và nguồn tài chính hỗ trợ từ Nga.

Washington đã tỏ ra cứng rắn với việc Nga can thiệp Venezuela. Ông Trump thậm chí còn tuyên bố: “Nga phải rút lui”. Nhưng đây là một tuyên bố bất thường của ông Trump, người hầu như chưa bao giờ chỉ trích ông Putin và thường đứng về phía Nga trong các vấn đề lớn nhỏ.

Và như cựu đại sứ của Mỹ tại Moskva Michael McFaul đã viết trên Washington Post, ông Trump đã duy trì một đường lối ủng hộ chính sách đối ngoại của Nga khá rõ nét. Ông Trump đã đe dọa rút Mỹ khỏi NATO và tuyên bố rút quân đội Mỹ khỏi Syria.

Ông Trump công khai bất đồng với kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ rằng Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, và nói: “Ông Putin nói rằng Nga không làm điều đó. Tôi cũng không thấy Nga có lí do nào để làm như vậy cả”.

Ông McFaul chỉ rõ: “Thậm chí trong cả những vấn đề nhỏ và không liên quan đến lợi ích quốc gia Mỹ, ông Trump cũng đứng về phía ông Putin. Tại sao ông Trump bảo vệ việc Liên Xô đưa quân tới Afghanistan?

Tại sao ông Trump tỏ ra lo ngại rằng nước Montenegro có thể là nguyên nhân kích động Thế Chiến III? Đó đều là những lời của ông Putin. Tại sao tổng thống Mỹ lại lặp lại lời nói của ông Putin?”

Những câu hỏi cuối cùng vẫn chưa có câu trả lời: Tại sao ông Trump không muốn đối diện với ông Putin dưới mọi hình thức, trong mọi vấn đề? Venezuela có phải là bước ngoặt để ông Trump kết thúc sự “nhường nhịn” Nga hay không?

Có thể thấy, những động thái tiếp theo của ông Trump và ông Putin sẽ quyết định tương lai không chỉ của Venezuela, mà còn tới nền chính trị toàn cầu.

 

Nguồn: SOHA.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC