Cơ quan Năng lượng Quốc tế nói Nga giảm doanh thu dầu mỏ tháng 11 dù sản lượng tăng, dấu hiệu cho thấy biện pháp trừng phạt có hiệu quả.

Guardian hôm 14/12 dẫn nguồn từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính rằng Nga thu được khoảng 15,8 tỷ USD từ việc bán dầu trong tháng 11, mức thấp thứ hai trong năm nay, chỉ sau doanh thu 14,7 tỷ USD hồi tháng 9.

Trong khi đó lượng xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga đã tăng lên 8,1 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 4, hai tháng sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Theo Guardian, đây dường như là tín hiệu cho thấy các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Moskva, với hy vọng hạn chế doanh thu từ xuất khẩu năng lượng Nga, đã có hiệu quả.

EU và G7 hôm 5/12 nhất trí về giá trần 60 USD/thùng với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga trong bối cảnh các nước này vừa muốn hạn chế doanh thu của Nga, vừa muốn kiểm soát lạm phát giá nhiên liệu. Giá loại dầu không phải của Nga là khoảng 81 USD/thùng hôm 14/12.

1 Nga Giam Doanh Thu Dau Mo  Bien Phap Trung Phat Co Hieu Qua

Động thái áp giá trần dầu Nga khiến loạt tàu dầu sau đó ùn ứ ở Thổ Nhĩ Kỳ chờ kiểm tra bảo hiểm. Tàu chở dầu Nga không được phép sử dụng dịch vụ bảo hiểm hàng hải của phương Tây nếu được bán trên mức giá 60 USD/thùng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mức giá trần phương Tây áp đặt không tác động đáng kể tới nền kinh tế nước này, nhưng có thể gây tổn hại thị trường năng lượng quốc tế và buộc Moskva phải cắt giảm sản lượng. IEA dự đoán sản lượng dầu Nga sẽ giảm khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm tới.

"Dù mức giá thấp hơn là động thái cứu trợ đáng hoan nghênh với người tiêu dùng đang đối mặt lạm phát gia tăng, tác động đầy đủ các lệnh trừng phạt với dầu thô và sản phẩm dầu của Nga vẫn còn phải xem xét", cơ quan này cho biết thêm.

Dầu mỏ Nga vận chuyển qua đường biển chiếm 2/3 lượng nhập khẩu mặt hàng này của EU, số còn lại được chuyển qua đường ống. Các nước G7 gần như đã dừng nhập dầu thô Nga. Vì thế, trần giá chủ yếu nhắm vào các nước mua lớn khác như Trung Quốc, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước này vẫn chưa tham gia, nhưng Mỹ hy vọng họ sẽ dùng trần giá làm đòn bẩy trong đàm phán.

Ngọc Ánh (Theo Guardian)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC