Geely là thương hiệu đắt giá của tập đoàn Geely Holding Group Triết Giang nói riêng và cả tỉnh Triết Giang nói chung. Đây chính là tập đoàn đang sở hữu thương hiệu xe Volvo.
Theo số liệu của WSJ, chỉ trong ba năm từ 2014-2017, doanh số bán hàng của Geely đã tăng gấp ba, đạt gần 1,25 tỉ USD. Ngay lập tức, Geely trở thành thương hiệu xe hơi lớn thứ hai Trung Quốc, chỉ sau Volkswagen.
Thế nhưng, con đường Geely đi không chỉ rải hoa hồng. Doanh số bán hàng tháng trước bất ngờ giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là đợt giảm đầu tiên sau 46 tháng tăng trưởng liên tiếp.
Cuộc chiến không tiếng súng
Kỳ trăng mật kết thúc, quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Cả hai đã áp thuế trị giá tới 360 tỷ USDhàng hóa, tạo áp lực lớn lên ngành công nghiệp hai nước.
Geely không phải nạn nhân duy nhất trong cuộc chiến thương mại này. Các hãng xe tại Trung Quốc đang méo mặt vì doanh số bán hàng giảm mạnh trong bốn tháng gần đây, đánh dấu sự thoái trào đầu tiên suốt gần ba thập kỷ qua, WSJ nhận định.
Kể cả những ông lớn cũng "dính đạn" trong cuộc chiến không tiếng súng này. Doanh số xe Ford tại Trung Quốc đã giảm 45% trong chín tháng đầu năm nay. Fiat Chrysler cũng đứng ngồi không yên khi doanh số bán hàng giảm 35%, trong khi General Motors giảm 9%, theo số liệu được WSJ trích dẫn từ LMC Automotive.
Ở chiều bên kia thái cực, các thương hiệu xe sang lại rất ổn. Doanh số Cadillac tăng 30% trong chín tháng đầu năm, trong khi BMW, Audi và Mercedes-Benz tăng từ 10-13%.
Thương hiệu xe Geely hướng tới khách hàng bình dân. Ảnh: Getty. |
Mặc dù cổ phiếu của Geely tại sàn Hồng Kông được giới đầu tư ưu ái nhưng không tránh khỏi thảm cảnh giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái trong làn sóng nhuốm đỏ thị trường.
Kinh tế Trung Quốc đang trải qua giai đoạn khó khăn. Chỉ số Shanghai Composite đã giảm 24% trong 12 tháng qua, theo số liệu công bố tháng trước của Bloomberg.
Cũng cần thừa nhận, trong suốt thời gian qua, Geely đã tăng trưởng rất ấn tượng. Gần đây nhất, tốc độ tăng trưởng theo năm từ tháng giêng tới tháng chín vừa qua vẫn đạt 27% (theo WSJ).
Chỉ từ tháng 10 trở đi, tình hình mới bắt đầu xấu đi, thậm chí hãng này còn quyết định lùi thời điểm IPO sau khi cân nhắc khó khăn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Li Shufu, chủ tịch Zhejiang Geely, cho biết mức thuế mà chính quyền Trump áp cho ngành xe hơi nhập khẩu Trung Quốc khiến giá xe tăng cao. Geely buộc phải đầu tư nhiều hơn cho dây chuyền sản xuất xe nội địa, và tất nhiên những chi phí đó người mua xe phải gánh chịu.
Giá cao khiến người mua lưỡng lự. Doanh số bán xe trong tháng 10 giảm 10% sau gần 4 năm tăng trưởng liên tiếp của Geely đã phản ánh chính xác điều này.
Việc Trung Quốc ăn miếng trả miếng với Mỹ cũng khiến những hãng xe dựa vào nhập khẩu như Geely gánh đủ. Trung Quốc tăng thuế với xe nhập khẩu từ Mỹ khiến người mua xe Volvo ở Trung Quốc phải trả nhiều tiền hơn trước bởi nhà sản xuất phải bỏ nhiều chi phí hơn.
Hiện chỉ có 21% xe Volvo được sản xuất tại Trung Quốc, số còn lại được sản xuất tại Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, Trung Quốc mới chỉ 20% thị trường xe Volvo, trong khi châu Âu chiếm 50% (lớn nhất), còn thị trường Mỹ chỉ ở mức 16%.
Người dân khó vay tiền, nhu cầu xe giảm mạnh
Phát ngôn viên của Geely nói với WSJ rằng nhu cầu mua xe hiện giảm mạnh trên toàn Trung Quốc, chứ không riêng khu vực nào.
Cuộc chiến thương mại với Mỹ đang khiến người dùng Trung Quốc ngạc nhiên bởi họ đã quá quen với tin tức tốt đẹp trên các phương tiện truyền thông nhà nước.
Phần lớn hãng xe tại Trung Quốc đang rất khó bán hàng. Ảnh: Getty. |
Trong một thời gian quá dài, tiền kiếm được quá dễ đã sinh ra hệ thống cho vay không chính thống. Tuy nhiên, những kênh cung cấp tài chính này đang cạn kiệt do chính sách kiểm soát ngày càng ngắt gao. Người tiêu dùng Trung Quốc vì thế không thể vay mượn dễ dàng như trước.
Phát biểu với WSJ, một giám đốc của Macquarie Group khẳng định thị trường xe Trung Quốc vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển, và có thể tăng lên 30 triệu hoặc 35 triệu xe từ mốc 29 triệu xe cuối năm ngoái.
Tất nhiên, đó là chưa tính tới cuộc chiến thương mại với Mỹ và Trung Quốc đang vướng vào.
Xuất khẩu phương tiện sang Mỹ chỉ chiếm 0,3% tổng số xuất khẩu của Trung Quốc năm ngoái, đạt 7,2 tỷ USD, theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC).
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu xe lớn nhất của Trung Quốc, nên bất cứ động thái gây khó dễ nào của Trump đều khiến Trung Quốc trả giá đắt.
Trong khi đó, số liệu của Economist Intelligence Unit (EIU – Anh Quốc) cho thấy Trung Quốc đang nhập khẩu 20% phương tiện xe từ Mỹ, tương đương 10,3 tỷ USD.
Nếu Trung Quốc tăng thuế xe nhập khẩu từ Mỹ, đương nhiên những hãng xuất khẩu xe từ Trung Quốc đi Mỹ như BMW và Mercedes-Benz phải hứng chịu.
Đa phần trong số này đều là xe sang. Tuy nhiên cũng có những tên tuổi lớn của Mỹ đang xuất khẩu xe vào thị trường Trung Quốc như GM và Ford đều thành lập liên doanh với doanh nghiệp bản địa.
BMW và Mercedes-Benz đều có cơ sở lắp ở Thái Lan, nên trong trường hợp quan hệ thương mại Mỹ - Trung xấu đi, hai hãng xe Đức sẽ tăng công suất và bù phần lớn vào lượng hàng xuất sang Trung Quốc.
Trong khi đó, những linh kiện xe từ Mỹ sẽ ít bị tác động bởi cuộc chiến thương mại bởi phần lớn chúng được xuất sang Canada hoặc Mexico. Trong năm 2017, lượng xuất sang Trung Quốc chỉ chiếm 5%, theo số liệu của EIU.
Nguồn: Gia Nguyễn
ZING