Máy bay tuần thám biển KQ-200 của hải quân Trung Quốc trên đá Chữ Thập ngày 10/4. Ảnh: ImageSat International
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tối 21/4, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi chuyển tải sự quan ngại của Tokyo đối với việc Trung Quốc mới đây thành lập 2 quận mới nhằm quản lý Trường Sa và Hoàng Sa trên biển Đông, hãng tin Nhật Bản Kyodo News đưa tin ngày 22/4.
Trong cuộc họp báo cùng ngày 21/4, Ngoại trưởng Nhật Bản cũng đề cập động thái của Trung Quốc, nói rằng hành động đó trực tiếp liên quan hòa bình và ổn định khu vực, khiến Nhật Bản cũng như cộng đồng quốc tế quan ngại. "Chúng tôi đang theo dõi tình hình gần đây trên biển Đông với sự quan ngại… Nhật Bản mạnh mẽ phản đối bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông. Nhật Bản thúc giục tất cả các bên liên quan vấn đề biển Đông nỗ lực giải quyết các xung đột một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế", Ngoại trưởng Motegi nói với các phóng viên.
Ngoài phản đối các hành động đơn phương của Trung Quốc ở biển Đông, Nhật Bản cũng phản đối sự hiện diện của các tàu Trung Quốc ở vùng biển gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 21/4, nhà báo Laude Jaime của Philippines cho biết, nhiều quan chức, cựu quan chức, học giả Philippines cũng bày tỏ quan ngại trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông gần đây, bao gồm việc ngang nhiên thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa" thuộc "thành phố Tam Sa" hòng quản lý Hoàng Sa, Trường Sa.
Ông Jaime cho biết, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã kêu gọi chính phủ của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gửi công hàm phản đối việc Trung Quốc thành lập 2 quận mới ở biển Đông. "Với sự kính trọng, chúng tôi thúc giục chính phủ phản đối hành động này của Trung Quốc, như chính phủ đã làm một cách đúng đắn khi tàu cá Việt Nam bị đâm chìm ngày 8/4/2020", ông Rosario tuyên bố tối 19/4.
Cựu ngoại trưởng Philippines cũng nhận định rằng, các động thái gần đây của Bắc Kinh chỉ chứng tỏ một điều rằng, Trung Quốc "không ngừng lợi dụng đại dịch COVID-19, tiếp tục theo đuổi các yêu sách phi pháp và bành trướng ở biển Đông".
Trước khi phía Trung Quốc thành lập 2 quận mới, một tàu hải cảnh Trung Quốc quấy nhiễu rồi đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa và Philippines đã phản đối hành động khiêu khích này của Trung Quốc, ông Jaime nói. Trước đó, Bắc Kinh ngang nhiên thành lập hai trạm nghiên cứu ở trên đá Chữ Thập và đá Subi mà họ biến thành đảo nhân tạo bất chấp luật pháp quốc tế.
Ngày 10/4, nhà cung cấp ảnh vệ tinh tư nhân ImageSat International (trụ sở ở Israel) chụp được ảnh một chiếc máy bay tuần thám biển KQ-200 của hải quân Trung Quốc đang hiện diện trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Giới quan sát Philippines nhận định, chiếc máy bay này tham gia tập trận, cụ thể là khoa mục săn tìm tàu ngầm đối phương và nâng cao nhận thức tình huống trên biển.
Tháng 3, ImageSat International cũng chụp được một máy bay vận tải quân sự Y-8 của Trung Quốc trên đá Chữ Thập. "Chúng ta phải phản đối thôi, không phản đối thì Trung Quốc sẽ vin cớ chúng ta im lặng là đồng ý", ông Jaime nói.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong mới đây, GS Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Úc), cho biết, kể từ năm 2018, các tàu Trung Quốc bắt đầu chĩa laser thương mại và quân sự vào máy bay quân sự nước ngoài bay qua biển Đông và biển Hoa Đông.
Tháng 5/2019, một tàu cá Trung Quốc chĩa laser vào một máy bay trực thăng của Hải quân Hoàng gia Úc. Ngày 17/2, tàu khu trục Lữ Dương III của hải quân Trung Quốc chĩa laser vào máy bay trinh sát Mỹ P8-A Poseidon đang bay trên biển Đông.
Ngoài ra, "Trung Quốc đã triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không ở Hoàng Sa và thường xuyên triển khai máy bay phản lực quân sự và máy bay ném bom tầm xa trong thời gian ngắn", GS Thayer nói.
Ngoài phản đối các hành động đơn phương của Trung Quốc ở biển Đông, Nhật Bản cũng phản đối sự hiện diện của các tàu Trung Quốc ở vùng biển gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Nguồn: Thái An/ Vietnamnet.vn