Ngày 16-8, hàng ngàn nhân viên y tế bang Tây Bengal biểu tình phản đối vụ hiếp dâm, sát hại nữ bác sĩ - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin Reuters, khoảng 6h sáng 17-8 (giờ địa phương), các nhân viên y tế trên toàn Ấn Độ bắt đầu cuộc đình công kéo dài 24 giờ, nhằm phản đối vụ hiếp dâm và sát hại một nữ bác sĩ hồi đầu tháng 8.
Hiệp hội Y tế Ấn Độ (IMA) cho biết toàn bộ các quy trình y tế tự nguyện hoặc việc khám bệnh ngoại trú sẽ bị tạm ngừng trong thời gian diễn ra đình công. Chỉ có các dịch vụ cấp cứu được duy trì hoạt động trong giai đoạn này.
Trước đó, ngày 9-8, thi thể một nữ bác sĩ 31 tuổi đã được tìm thấy trong phòng họp của Trường đại học Y kiêm Bệnh viện RG Mar ở thành phố Kolkata, bang Tây Bengal.
Bằng chứng hiện trường cho thấy nạn nhân đã bị hiếp dâm trước khi bị sát hại. Một nhân viên không chính thức của Bệnh viện RG Mar đã bị cơ quan chức năng bắt giữ và khởi tố.
Vụ việc trên nhanh chóng làm dấy lên làn sóng bất bình trong xã hội Ấn Độ. Người dân nước này phẫn nộ trước việc hệ thống hành pháp và tư pháp đã không thể ngăn chặn nạn bạo lực với phụ nữ đang lên cao tại đây.
Người dân Ấn Độ tuần hành rạng sáng 15-8 nhằm phản đối nạn bạo lực với phụ nữ - Ảnh: AFP
Rạng sáng 15-8, cũng là ngày Quốc khánh Ấn Độ, hàng ngàn phụ nữ đã cầm đuốc xuống đường tuần hành qua các con phố vẫn còn tối đèn tại bang Tây Bengal, để phản đối vụ tấn công nữ bác sĩ.
Đến ngày 16-8, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục tại bang này, với sự tham gia của hàng ngàn nhân viên ngành y.
Trước đó, hôm 12-8, đội ngũ y tế tại các bệnh viện công trên toàn Ấn Độ cũng đã bắt đầu đình công, từ chối thực hiện các quy trình y tế tự nguyện.
Bác sĩ Johnrose Jayalal - chủ tịch IMA - khẳng định sự bất bình trong xã hội đã lên quá cao, buộc hiệp hội này thấy có nghĩa vụ nâng quy mô đình công để tạo sức ép hành động lên Chính phủ.
Ông cho biết cuộc đình công ngày 17-8 hứa hẹn sẽ thu hút sự tham gia của hơn 1 triệu nhân viên y tế, đến từ cả các bệnh viện tư nhân.
Ông khẳng định: "50% bác sĩ là phụ nữ, 90% y tá cũng là phụ nữ. Chúng tôi muốn Chính phủ có trách nhiệm trong việc đảm bảo sự an toàn của họ bằng cách biến các bệnh viện thành khu vực được bảo vệ với những biện pháp an ninh giống với sân bay và tòa án".
Ông Jayalal cũng nhấn mạnh những lo ngại về sự an toàn cho các bác sĩ nữ, nhất là trong bối cảnh tình trạng người nhà bệnh nhân có hành vi bạo lực với đội ngũ y tế ngày một leo thang.
NGỌC ĐỨC
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online