Hơn một tuần sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol, vẫn còn nhiều câu hỏi về việc liệu có nghị sĩ hay cảnh sát nào hỗ trợ những người biểu tình hay không.
Ít nhất một người tổ chức biểu tình nói đã phối hợp với ba hạ nghị sĩ Cộng hòa. Bên cạnh đó, người biểu tình bị cáo buộc đi “do thám” tòa nhà quốc hội một ngày trước cuộc bạo loạn.
Hơn một chục sĩ quan của lực lượng Cảnh sát Điện Capitol cũng đang bị điều tra nội bộ với cáo buộc giúp đỡ đám đông bạo loạn.
Theo CNN, bên cạnh vai trò rõ ràng của Tổng thống Trump trong việc kích động bạo lực, có một số dấu hiệu cho thấy người trong cuộc có thể đã hỗ trợ người biểu tình.
Đám đông người biểu tình trong vụ bạo loạn ngày 6/1. Ảnh: Reuters.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa vướng chỉ trích
Ali Alexander, lãnh đạo của một nhóm ủng hộ ông Trump, tuyên bố trong video rằng ông lên kế hoạch cho cuộc biểu tình ngày 6/1 với 3 đảng viên Cộng hòa. Những người này là Hạ nghị sĩ Paul Gosar và Andy Biggs của Arizona cùng Hạ nghị sĩ Mo Brooks của Alabama.
Ông Brooks phát biểu tại cuộc biểu tình trước khi Tổng thống Trump lên sân khấu ngày 6/1. Nghị sĩ này kêu gọi đám đông “hạ gục và đánh bại đối thủ”.
Trong tuyên bố dài 2.800 chữ về sự liên quan với vụ bạo loạn, ông Brooks nói mình chỉ hô hào đám đông chống lại kết quả bỏ phiếu. Nghị sĩ này cũng tiết lộ rằng quan chức Nhà Trắng chỉ gọi cho ông trước một ngày để mời phát biểu tại sự kiện ngày 6/1.
Ông Mo Brooks phát biểu tại cuộc biểu tình trước vụ bạo loạn ngày 6/1. Ảnh: AP.
Hạ nghị sĩ Gosar cho thấy sự liên quan với tổ chức của ông Alexander trong những tháng gần đây.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Hạ nghị sĩ Biggs nói với CNN rằng ông chưa từng gặp hay làm việc với Alexander.
Sau khi cuộc bạo loạn bị dập tắt, ba nghị sĩ trên tiếp tục phản đối kết quả bỏ phiếu của đại cử tri Arizona và Pennsylvania. Nỗ lực của họ lại thất bại.
“Ba nghị sĩ đó sẽ cần phải nhanh chóng tìm luật sư”, cựu Hạ nghị sĩ Cộng hòa Charlie Dent, cộng tác viên của CNN, nhận định ngày 13/1.
Ông Dent cho rằng ba nghị sĩ trên sẽ phải đối mặt với công tố viên liên bang và Ủy ban Đạo đức Hạ viện.
Nhiệm vụ “do thám”
Hạ nghị sĩ Dân chủ Mikie Sherrill ở New Jersey gây sóng gió vào tối 12/1 khi cáo buộc các nghị sĩ Cộng hòa giúp đỡ những người bạo loạn. Bà Sherrill tố các nghị sĩ đưa người vào Điện Capitol “do thám” hôm ngày 5/1.
Bà Sherrill là cựu phi công trực thăng của Hải quân Mỹ. Bà cũng từng là công tố viên liên bang, và được coi là thành viên ôn hòa trong nhóm hạ nghị sĩ Dân chủ.
CNN nhận định Hạ nghị sĩ Sherrill không phải là người sẽ đưa ra những cáo buộc vô cớ, nhưng đài này vẫn chưa thể xác minh lời tố cáo của bà.
Bà Mikie Sherrill cáo buộc các nghị sĩ Cộng hòa giúp đỡ những người bạo loạn. Ảnh: Getty.
Ngày 13/1, bà Sherrill cho biết đang trao đổi với “một số cơ quan cụ thể” để “yêu cầu điều tra”. CNN cho rằng cuộc điều tra có thể về khả năng các nghị sĩ Cộng hòa hợp tác với người bạo loạn.
Ngoài 3 nghị sĩ Gosar, Biggs và Brooks, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Lauren Boebert của Colorado cũng bị chỉ trích vì đăng lên Twitter vị trí của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khi cuộc tấn công đang diễn ra.
Vào thời điểm đó, bà Boebert viết rằng bà Pelosi đã “sơ tán khỏi phòng họp Hạ viện”, trong khi những người bạo loạn vẫn ở trong Điện Capitol.
Bà Boebert là người có liên hệ với phong trào QAnon và thường xuyên truyền bá các thuyết âm mưu của cánh hữu.
Hơn 70 người bị buộc tội theo luật liên bang trong vụ bạo loạn, phần lớn là những người xô xát với cảnh sát ở ngoài và trong Điện Capitol, đe dọa dùng bạo lực với đảng viên Dân chủ, hoặc bị phát hiện mang súng hay bom gần tòa nhà quốc hội.
Các công tố viên vẫn chưa cáo buộc bất cứ người biểu tình nào về việc phối hợp với nghị sĩ Cộng hòa hay cảnh sát trong vụ bạo loạn. Tuy nhiên, cuộc điều tra chỉ mới ở giai đoạn đầu.
“Chúng tôi đang xem xét các trường hợp phạm tội nghiêm trọng liên quan đến xúi giục nổi loạn và tham gia âm mưu”, Michael Sherwin, quyền lãnh đạo văn phòng công tố Washington DC, nói với các phóng viên vào ngày 12/1. Ông Sherwin không nói liệu có nhà lập pháp hoặc cảnh sát nào đang bị điều tra hay không.
Ông Michael Sherwin cho biết công tố viên đang xem xét các cáo buộc. Ảnh: Getty.
“Văn phòng của chúng tôi đã lập ra nhóm bao gồm công tố viên an ninh quốc gia cấp cao và các công tố viên về tham nhũng. Mệnh lệnh duy nhất họ nhận được là đưa ra các cáo buộc về tội xúi giục và tham gia âm mưu liên quan đến những hành vi tàn ác nhất xảy ra ở Điện Capitol”, ông Sherwin cho biết.
Quân đội và cảnh sát giúp người biểu tình?
Ít nhất hai sĩ quan của Cảnh sát Capitol đã bị đình chỉ và ít nhất 10 người khác đang bị điều tra. Họ bị cáo buộc có vai trò trong cuộc bạo loạn, CNN đưa tin.
Sau ngày 6/1, xuất hiện nhiều suy đoán về việc cảnh sát có thể đã giúp đỡ những người bạo loạn vì đám đông dường như không vấp phải sự phản kháng khi tiến vào Điện Capitol. Một người biểu tình thậm chí còn chụp ảnh selfie với cảnh sát.
Hai cảnh sát Capitol bị đình chỉ sau vụ bạo loạn. Ảnh: Getty.
Các quân nhân tại ngũ và cựu quân nhân cũng tham gia vào vụ tấn công, theo các hãng tin và hồ sơ tòa án.
Một trong những người đàn ông xâm nhập Thượng viện vào ngày 6/1 là trung tá không quân nghỉ hưu. Quân đội cũng đang điều tra một sĩ quan hoạt động tâm lý. Người này bị cáo buộc dẫn đầu một nhóm công dân North Carolina đến cuộc biểu tình của ông Trump trước vụ tấn công.
Và Ashli Babbitt, người phụ nữ 35 tuổi bị cảnh sát bắn chết khi cố gắng đột nhập vào Hạ viện, là một cựu binh không quân.
Nguồn: Zingnews