Thông điệp của ông Pompeo và ông Mattis được nêu trong thông cáo báo chí của Bộ ngoại giao Mỹ, sau cuộc tiếp xúc 2+2 giữa hai ông với bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và chủ nhiệm Ủy ban công tác đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, hôm 9/11.
Thông cáo cho biết phía Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc rút các tên lửa bố trí phi pháp ở quần đảo Trường Sa, đồng thời “tái khẳng định rằng tất cả các nước cần tránh giải quyết mẫu thuẫn bằng cách ép buộc hay đe dọa”.
Trước đó, ông Dương Khiết Trì phát biểu trong cuộc họp báo chung giữa 4 quan chức hai nước rằng tình hình ở khu vực biển Đông đang tiến triển “hướng tới ổn định hơn”.
Theo thông cáo, hai nước nhất trí ủng hộ một giải pháp hòa bình để giải quyết mâu thuẫn, các vấn đề máy bay Mỹ tuần tra trên biển và các hoạt động hợp pháp trên vùng biển quốc tế ở khu vực.
Vào tháng 5 năm nay, bộ trưởng Mattis chỉ trích rằng bất chấp chủ tịch Tập Cận Bình cam kết không quân sự hóa ở quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh vẫn vận chuyển trái phép tới đây nhiều khí tài. Đáp lại, Bộ ngoại giao Trung Quốc tiếp tục tuyên bố chủ quyền phi lý đối với quần đảo Trường Sa, và nói nước này có quyền đưa lực lượng tới “bất kỳ nơi nào trong lãnh thổ Trung Quốc”.
Hãng CNBC dẫn nguồn tin tình báo Mỹ hồi tháng 5, cáo buộc Trung Quốc âm thầm lắp đặt các tên lửa hành trình chống hạm và các hệ thống tên lửa đất đối không tại 3 tiền đồn xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hành động này bị cho là mở đường để Bắc Kinh bành trướng trên vùng biển này. Các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B cho phép quân đội Trung Quốc tấn công các tàu mặt nước trong bán kính 295 hải lý quanh khu vực lắp đặt. Còn hệ thống phòng không tầm xa HQ-9B có thể tấn công máy bay, phương tiện không người lái và tên lửa hành trình trong phạm vi 160 hải lý.
Đến tháng 7, CNBC tiếp tục dẫn nguồn tin từ tình báo Mỹ, tiết lộ Trung Quốc lặng lẽ triển khai trái phép các thiết bị tác chiến điện tử cũng tại 3 thực thể nêu trên.
Trước những động thái của Trung Quốc, Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời phản đối hoạt động bồi đắp đảo trái phép của Trung Quốc tại các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Từ trái qua: Các ông Pompeo, Ngụy Phượng Hòa, Mattis và Dương Khiết Trì tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Đối thoại Ngoại giao và An ninh Mỹ-Trung lần thứ 2, ngày 9/11 (Ảnh: EPA-EFE)
Ngày 8/5/2018, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin liên quan Trung Quốc bố trí tên lửa tại các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
“Việt Nam hết sức quan ngại trước các thông tin nêu trên và khẳng định mọi hoạt động quân sự hóa, bao gồm cả việc bố trí tên lửa trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định trong khu vực và không có lợi cho nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông hiện nay (COC).
Nguồn: Thời Đại