Vào tháng 4, khi Donalene Ferrer và 2 thành viên gia đình đang đeo khẩu trang đi bộ trên đường, một chiếc xe đột ngột dừng lại và một phụ nữ hét lớn: “Cô là người đã làm dịch Covid-19 bùng phát”.
Người phụ nữ trên là hàng xóm của mẹ Ferrer. Vẫn chưa hết “sốc”, Ferrer bước lại gần người phụ nữ hung hăng vào hỏi: “Vì sao cô lại nhằm vào chúng tôi? Tôi là một y tá và cha tôi chiến đấu cho đất nước này. Cô không nên dạy con cô về phân biệt chủng tộc”.
Ferrer, 41 tuổi, một người Mỹ gốc Philippines cho biết người phụ nữ không đeo khẩu trang tiếp tục hăm dọa: “Nào, lại gần đây. Nói thử vào mặt tôi xem nào”. Tuy nhiên, vì Ferrer lo ngại người phụ nữ có thể mang vũ khí, nên chị đã quyết định rời đi.
Theo thống kê của phong trào Dừng sự ghét bỏ người Mỹ gốc Á và gốc Thái Bình Dương (Stop AAPI Hate), số lượng các vụ việc kỳ thị, ghét bỏ nhằm vào nhóm trên ở bang California tăng vọt trong năm nay. Trong 3 tháng, AAPI ghi nhận 832 vụ việc trên khắp khu vực được gọi là “tiểu bang Vàng”. Trong các vụ việc, hành động xúc phạm và chửi rủa đã trở nên phổ biến kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Sự gia tăng các hành vi phân biệt chủng tộc và thù ghét đã khiến công chúng và các chính trị gia phẫn nộ.
Lena Hernandez, một phụ nữ sống ở Long Beach, đã tiếp cận hung hăng một phụ nữ gốc Á đang đi tập thể dục ở công viên Wilson và nói với người phụ nữ trên “hãy quay về bất cứ quốc gia châu Á nào mà cô thuộc về đi”.
Ngày 10/6, cũng tại địa điểm này, Hernandez tiếp tục tấn công một người đàn ông gốc Á khác, gọi người này là “người Trung Quốc” và nói "đi về nhà đi”.
Các quan chức thành phố Torrance sau đó đã bắt phụ nữ này.
Chính quyền California đã nhận được hàng trăm cuộc gọi về các vụ phân biệt chủng tộc hồi tháng 6. Một cửa tiệm bán dụng cụ nấu ăn đã bị đe dọa: “Quay trở về Nhật Bản đi. Chúng tôi sẽ đánh bom cửa tiệm nếu các người không nghe lời và chúng tôi biết các người sống ở đâu”.
Các nhà hoạt động đã yêu cầu Thống đốc California Gavin Newsom chi khoản ngân sách 1,4 triệu USD để nghiên cứu về ảnh hưởng của dịch Covid-19 với người gốc Á và gốc Thái Bình Dương cả về sức khỏe và về vấn nạn phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, ngân sách bang mới thông qua hồi tuần trước đã không cấp tiền cho sáng kiến này.
Manjusha Kulkarni, người đồng sáng lập phong trào STOP AAPI Hate, cho rằng người Mỹ gốc Á cần chứng kiến các hành động mạnh mẽ, cứng rắn từ chính quyền để họ tin rằng họ không bị phân biệt chủng tộc và được hưởng quyền bình đẳng.
David Chiu, nghị sĩ cấp bang California, người đồng sáng lập STOP AAPI Hate, cho biết, ông ghi nhận nhiều vụ việc người gốc Á bị đối xử phân biệt chủng tộc.
“Thật sự rất khó chịu. Ở đây, không chỉ có đại dịch về sức khỏe mà còn là đại dịch về sự ghét bỏ”, ông Chiu nhận định.
Nhiều người gốc Á bị chửi bới vô cớ ngay trong thang máy mình đang sống với những từ ngữ như “các người gây khó chịu như những con gián”.
Tại Santa Clara, một người đàn ông gốc Á bị một người khác nhổ nước bọt vào người và nói: “Hãy mang bệnh tật của các người đi vì nó đang hủy hoại đất nước này. Hãy về nhà đi”.
Ferrer, một nữ y tá sống ở hạt Riverside, cho biết: “Tôi cảm thấy tức giận sục sôi. Thật kỳ quái. Bây giờ, tôi cảnh báo bạn bè hãy cẩn thận vì điều này có thể dễ dàng xảy ra với họ trong tương lai”.
Đức Hoàng Theo SCMP
Nguồn: Dân trí