Hãng tin BBC dẫn lời các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, địa điểm thử hạt nhân của Bình Nhưỡng Punggye-ri đã bị sập cục bộ, khả năng không thể đưa vào khai thác sử dụng lại.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại một cơ sở nghiên cứu và phát triển tên lửa.
Bãi thử Punggye-ri đã được Triều Tiên sử dụng cho 6 vụ thử hạt nhân từ trước tới nay, kể từ năm 2016. Sau lần thử gần nhất vào tháng Chín năm ngoái, một loạt các dư chấn đã xuất hiện ở địa điểm này, khiến các nhà địa chấn học tin rằng một phần của cấu trúc bên trong quả núi đã sụp đổ.
Vào hôm thứ Bảy tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố ông sẽ cho hoãn các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của nước này ngay lập tức.
Tuyên bố đầy bất ngờ này diễn ra trước cuộc đàm phán lịch sử giữa Bình Nhưỡng với Hàn Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, khi thông tin về việc sập bãi thử hạt nhân xuất hiện, giới quan sát cho rằng, khả năng đây cũng là một phần lý do khiến ông Kim đưa ra tuyên bố trên.
Nghiên cứu về vụ sập của bãi thử hạt nhân Triều Tiên được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học đến từ đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (USTC), sẽ được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters của Hiệp hội Địa Vật lý Mỹ trong những ngày tới.
Nghiên cứu kết luận rằng trong khoảng thời gian từ 8 đến 9 phút sau vụ thử hồi tháng 9/2017, đã xảy ra “một vụ sập theo hướng thẳng đứng, hướng về phía trung tâm bãi thử hạt nhân” của Triều Tiên.
Bãi thử Punggye-ri nằm tại vùng núi ở phía Đông Bắc Triều Tiên và các vụ thử được diễn ra ở trong một hệ thống đường hầm phía dưới núi Mantap.
Tóm tắt nghiên cứu của USTC được đăng tải trên website của cơ quan này kết luận: “Do bãi thử đã bị sập nên trong tương lai Bình Nhưỡng không nên thực hiện bất kỳ cuộc thử nghiệm hạt nhân nào ở dưới núi Mantap”.
Tuy nhiên, trong một phiên bản được điều chỉnh sau đó của USTC lại không đưa ra nhận định trên, thay vào đó khẳng định “vụ sập ở bãi thử là bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng nên theo dõi tình trạng rò rỉ vật liệu phóng xạ” ở khu vực này.
Tháng trước, Trung tâm Nghiên cứu Động đất Cát Lâm (Trung Quốc) cũng đưa ra kết luận tương tự sau một nghiên cứu. Theo đó, vụ thử hạt nhân đã tạo ra “một khoảng đất trống lớn và gây hư hại cho các hẻm núi đá ở phía trên”, khiến bãi thử bị sập.
Nguồn: Người đưa tin