Từng được “bật đèn xanh” để tham gia các cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo toàn cầu, tỷ phú công nghệ giờ đây đang bị hạn chế dần vai trò trong các vấn đề ngoại giao nhạy cảm do lo ngại xung đột lợi ích.
Việc Elon Musk tham gia sâu vào các hoạt động chính phủ từng gây tranh cãi ngay từ đầu, đặc biệt khi ông có các lợi ích kinh doanh khổng lồ tại Trung Quốc - thị trường lớn thứ hai của Tesla.
Lo ngại ngày càng gia tăng sau khi tờ New York Times đưa tin Musk đã được mời tham dự một cuộc họp cấp cao tại Lầu Năm Góc hồi tháng 3, nơi dự kiến bàn về kịch bản nếu Mỹ xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc.
Ngay sau đó, Tổng thống Trump lên tiếng bác bỏ thông tin và khẳng định Trung Quốc không nằm trong chương trình họp. Ông gọi đây là “tin vịt” và yêu cầu điều tra nguồn rò rỉ, dẫn tới việc nhiều quan chức bị loại khỏi vị trí, theo Politico.
Tổng thống Trump đang bắt đầu dần tạo khoảng cách giữa Elon Musk và chính sách Trung Quốc của Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.
Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump viết: “Thông tin đó hoàn toàn không đúng sự thật”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth thì nhấn mạnh trên X : “Đây chỉ là một cuộc họp không chính thức về đổi mới công nghệ và hiệu suất sản xuất, không liên quan đến kế hoạch quân sự với Trung Quốc”.
Dù vậy, Musk vẫn đến Lầu Năm Góc và gọi cuộc gặp là “tuyệt vời”. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, nội dung cuộc họp đã được chỉnh sửa gấp rút để loại bỏ mọi vấn đề liên quan đến Trung Quốc - theo đúng chỉ đạo từ Nhà Trắng. Axios dẫn lời một quan chức cho biết, ông Trump không muốn Musk tham dự bất kỳ cuộc thảo luận nào về khả năng xung đột với Trung Quốc.
Việc chính quyền Trump tỏ ra thận trọng với Elon Musk là một bước ngoặt rõ ràng so với vài tháng trước, khi Nhà Trắng vẫn để ông “tự quản lý” các xung đột lợi ích trong vai trò cố vấn cho Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE).
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Washington hồi tháng 2, ông Trump tỏ ra không mấy quan tâm đến cuộc gặp giữa Musk và nhà lãnh đạo Ấn Độ, chỉ nói ngắn gọn: “Tôi đoán là Elon muốn làm ăn ở Ấn Độ”.
Tuy nhiên, cách tiếp cận “dễ dãi” đó đã thay đổi hoàn toàn khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đạt đỉnh.
Tesla đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cuộc đối đầu này. Dù sản xuất tại Mỹ, hãng xe điện này xuất khẩu lượng lớn xe sang Trung Quốc - thị trường đóng góp phần lớn doanh thu. Trong khi đó, đối thủ nội địa BYD đang hưởng lợi từ chính sách bảo hộ trong nước để gia tăng thị phần.
Elon Musk không chỉ bị hạn chế vai trò trong chính phủ, mà còn ngày càng tỏ ra không đồng tình với chính sách thương mại của chính quyền Trump. Tesla đã gửi thư cảnh báo Nhà Trắng rằng các nhà xuất khẩu Mỹ có thể bị tổn thất nặng nề nếu các quốc gia khác đáp trả mạnh mẽ chính sách thuế của Mỹ.
Không chỉ vậy, Elon Musk còn công khai phản đối chính sách thuế trong nhiều cuộc gặp ngoại giao. Trong buổi trò chuyện với Phó Thủ tướng Ý Matteo Salvini mới đây, ông nhấn mạnh: “Tôi hy vọng rằng châu Âu và Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận để tiến tới một khu vực thương mại tự do, thuế quan bằng 0”.
Theo Washington Post, Musk đã từng cố gắng thuyết phục chính quyền Trump điều chỉnh chính sách thuế nhưng không thành công.
Mâu thuẫn nội bộ còn bộc lộ rõ hơn khi Musk công khai chỉ trích Peter Navarro - cố vấn thương mại thân cận của ông Trump, người được xem là “kiến trúc sư” của chính sách thuế quan. Musk không ngần ngại gọi Navarro là “kẻ ngốc” và thậm chí mỉa mai: “Ông ta ngu còn hơn cả bao gạch”.
TIN TỨC: THỜI SỰ THẾ GIỚI
-
Trump và làn sóng "thu hồi quyết định" đầy bẽ bàng: Áp lực từ công chúng buộc phải thay đổi chính sách 21/03/2025
-
Hillary Clinton cảnh báo: "sự ngu ngốc" của Trump sẽ khiến Mỹ trở nên yếu đuối và cô lập 29/03/2025
-
Trump bất ngờ "quay xe" sau tuyên bố áp thuế gây chấn động toàn cầu 06/04/2025
-
Bức ảnh cuối cùng của gia đình thiệt mạng trong vụ rơi trực thăng du lịch ở New York 11/04/2025