Huawei và ZTE của Trung Quốc đang bị chính phủ Mỹ và các đồng minh săm soi về quan hệ của họ với Bắc Kinh, lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng thiết bị của các công ty này để do thám.
đó, đã có các tin tức cho biết Mỹ đang làm việc để thuyết phục các đồng minh, trong đó có Nhật, tránh sử dụng các thiết bị liên lạc viễn thông của Huawei vì lý do an ninh mạng.
Reuters trích nguồn từ báo Yomiuri của Nhật cho hay Tokyo nhiều khả năng sẽ sửa luật thu mua để loại trừ các công ty Trung Quốc khỏi danh sách nhà cung cấp sản phẩm cho chính phủ, sớm nhất có thể từ ngay thứ Hai tuần sau.
Luật mới có thể cấm cả các công ty Nhật Bản sử dụng linh kiện của Huawei và ZTE.
Hôm thứ Tư (5/12) nhà mạng BT của Anh Quốc thông báo họ sẽ loại bỏ các thiết bị của Huawei khỏi mạng 4G trong vòng 2 năm, cấm công ty Trung Quốc này đầu thầu thiết bị cho mạng 5G. Úc và New Zealand cũng sẽ tránh sử dụng hạ tầng của Huawei trong hệ thống mạng 5G của mình, theo CNET.
Tại Mỹ, công ty con Sprint Corp của nhà mạng SoftBank tuyên bố họ không còn mua thiết bị của Huawei hoặc ZTE, thay vào đó, SoftBank đang cố gắng hoàn tất thương vụ bán Sprint cho T-Mobile US Inc.
Ảnh từ Shutterstock
Mặc dù Huawei khẳng định nhiều lần họ không chịu ảnh hưởng chính trị từ Bắc Kinh, nhưng các động thái của Mỹ gần đây cho thấy họ không tin điều này. Mới đây, hôm 1/12 bà Mạnh Vãn Chu, Tổng giám đốc tài chính, Phó Giám đốc điều hành Huawei bị Canada bắt theo yêu cầu của Mỹ do cáo buộc bà này đã vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ.
Bà Mạnh được coi là “công chúa của Trung Nam Hải”. Bà là con gái của ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập ra hãng ‘’Huawei Technologies Co Ltd’’, là đảng viên Đảng Cộng sản Trung quốc và có quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc. Bà Mạnh đã ra tòa Canada và đang đối mặt với khả năng bị dẫn độ về Mỹ.
Trước đó Tập đoàn ZTE của Trung Quốc đã lâm vào bờ vực phá sản vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Công ty này sau đó đã đồng ý nộp phạt 1 tỷ USD, ký quỹ 400 triệu USD và chấp nhận cải tổ theo yêu cầu của Mỹ để có thể tiếp tục được mua linh kiện của Mỹ.
Mặc dù chính phủ Nhật không định nêu đích danh Huawei và ZTE, nhưng theo Reuters, các quy định sửa đổi sẽ có các biện pháp nhằm tăng cường an ninh áp dụng cho các công ty này.
Reuters cho hay người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản, Yoshihide Suga, từ chối bình luận. Nhưng ông lưu ý rằng Nhật sẽ liên lạc chặt chẽ với Mỹ về nhiều lĩnh vực, bao gồm cả an ninh mạng.
“An ninh mạng đang trở thành một vấn đề quan trọng ở Nhật Bản. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết xem xét vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau,” ông Suga nói trong một buổi họp báo.
Đáp lại các tin tức từ Nhật Bản, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bày tỏ “lo ngại thực sự”.
“Chúng tôi hy vọng phía Nhật Bản có thể cung cấp một môi trường cạnh tranh công bằng cho các công ty Trung Quốc hoạt động tại Nhật Bản và không làm bất cứ điều gì gây tổn hại hợp tác song phương và sự tin tưởng lẫn nhau,” ông Cảnh nói.
Trọng Đức
Tri thức Việt Nam