Đáng chú ý là nhóm chuyên gia phương Tây nói trên lâu nay vẫn ủng hộ sự tăng cường tiếp xúc giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Trừ Nga, không nước nào có nỗ lực tác động đến chính trường và xã hội Mỹ nhiều và sâu rộng như Trung Quốc” – báo cáo mới dài 213 trang mang tên “Ảnh hưởng của Trung Quốc và lợi ích của Mỹ: Thúc đẩy sự cảnh giác trên tinh thần xây dựng” nhận định hôm 29-11.
Báo cáo này là thành quả từ một năm rưỡi làm việc của 32 học giả, nhà phân tích phương Tây tham gia dự án của Viện Hoover và Đại học George Washington (đều ở Mỹ).
Sinh viên Trung Quốc tại lễ tốt nghiệp ở Trường ĐH Colombia (Mỹ. Ảnh: THX)
Văn kiện này cho rằng với làn sóng tiền bạc, sự xâm nhập vào các cơ sở giáo dục, chính trường và sự hiện diện của các cộng đồng gốc Hoa, Bắc Kinh đã tìm cách lợi dụng sự cởi mở của xã hội dân chủ Mỹ để “thách thức, và đôi khi phá hoại, sự tự do, các quy chuẩn, luật lệ cốt lõi của Mỹ”. Một trong những mục đích chủ yếu của nỗ lực này là ngăn chặn sự chỉ trích nhằm vào Trung Quốc và sự ủng hộ dành cho Đài Loan.
Báo cáo nhìn nhận các hoạt động ngoại giao công khai thông thường, như chương trình thăm viếng, trao đổi văn hóa và giáo dục, mua bài viết quảng cáo đăng tải trên truyền thông hoặc vận động hành lang là những biện pháp được nhiều chính phủ sử dụng để tăng cường sức mạnh mềm.
Tuy nhiên, tham vọng trong hoạt động của Trung Quốc cần phải được giám sát chặt chẽ hơn vì sự can thiệp của Bắc Kinh rộng và mạnh hơn Moscow.
Báo cáo nhận định hầu hết nỗ lực gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở Mỹ đều diễn ra ở cấp địa phương với sự tham gia, vô tình hoặc hữu ý, của giới truyền thông, trường học, công ty và nhóm vận động tại địa phương. Vì thế, các lãnh đạo địa phương, cũng như lãnh đạo chính phủ Mỹ cần hiểu rõ hơn về các mục tiêu và chiến lược của Trung Quốc.
Với bản chất không cân xứng trong hoạt động trao đổi giữa Mỹ và Trung Quốc, các tác giả báo cáo đề nghị chính phủ và chính quyền các bang của Mỹ cần nhấn mạnh đến quan điểm có qua có lại. Chẳng hạn, học giả Trung Quốc đến Mỹ phải chịu những hạn chế nghiêm ngặt, hoặc thậm chí bị từ chối cấp thị thực, giống như những gì học giả Mỹ đối mặt ở Trung Quốc.
“Tất cả chúng tôi đều cảm thấy bi quan hơn về những xu hướng đang diễn ra trong quan hệ với Trung Quốc” – ông Winston Lord, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc và là một trong những chuyên gia tham gia soạn thảo báo cáo, nhận định.
Các thành viên nhóm trên nhìn chung nhất trí rằng chính quyền ông Trump đã đúng khi có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, một số người không xem cuộc chiến thương mại hiện nay là bước đi hợp lý nhất. “Về lâu dài, hành vi ép buộc chuyển giao công nghệ, đánh cắp tài sản trí tuệ và trợ cấp các ngành công nghiệp là những vấn đề quan trọng hơn nhiều” – ông Lord nhận định.
Báo cáo trên được công bố trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên đường đến Argentina dự Hội nghị cấp cao nhóm 20 nền kinh tế phát triển và hàng đầu thế giới (G20). Tại đây, ông Trump dự kiến có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bối cảnh quan hệ hai nước xấu đi vì một loạt bất đồng, trong đó có chiến tranh thương mại.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 30-11 gọi những đánh giá của báo cáo là không có căn cứ.
P.Võ (Theo The Washington Post, The Straits Times)
Nguồn: Người lao động