Thụy Điển được xem là một ngoại lệ trong cuộc chiến chống Covid-19. Không phong tỏa như nhiều quốc gia khác, hình ảnh của Thụy Điển hiện lên với những con phố tấp nập người qua lại, những quán cà phê đông khách ngồi tán chuyện hay những quán bar sáng lấp lánh ánh đèn giữa đại dịch. Trẻ em tiếp tục tới trường, hoạt động kinh doanh vẫn duy trì.
Chính quyền Stockholm đặt niềm tin vào cách tiếp cận "mềm mỏng" cũng như ý thức tuân thủ của người dân. "Hãy giữ khoảng cách an toàn và sống có trách nhiệm", Bộ Y tế và Phúc lợi Xã hội Thụy Điển kêu gọi người dân tuân thủ các quy định.
Nhiều người dân Stockholm đổ xô ra công viên tắm nắng hôm 22/4. Ảnh: AFP.
Quốc gia Bắc Âu này đang kỳ vọng sẽ đạt "miễn dịch cộng đồng" ở thủ đô Stockholm vào tháng 5, giúp người dân vượt qua Covid-19 mà không phải chịu lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như hầu hết các nước châu Âu khác.
Nhà dịch tễ học nổi riếng Anders Tegnell, "nhạc trưởng" của chiến lược chống Covid-19 Thụy Điển, từng mô tả nó không chỉ tạo ra "miễn dịch cộng đồng" mà còn giúp ngăn chặn sự lây lan của nCoV, trong khi duy trì khả năng ứng phó của hệ thống y tế.
Chiến lược của Thụy Điển hoàn toàn trái ngược với các quốc gia láng giềng Bắc Âu. Phần Lan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa trường học và cấm tụ tập quá 10 người từ ngày 16/3; hạn chế đi lại ở vùng Uusimaa từ ngày 28/3; đóng cửa nhà hàng, quán cà phê, quán bar từ 1/4.
Đan Mạch thông báo lệnh phong tỏa rộng khắp từ ngày 11/3 và thuộc nhóm các quốc gia châu Âu đầu tiên đóng cửa biên giới, hàng quán, trường học và cấm tụ tập đông người. Na Uy cũng bắt đầu áp lệnh hạn chế đi lại từ giữa tháng 3 và sau đó thông báo đóng cửa trường học, trung tâm giữ trẻ, hủy các sự kiện và dừng các địa điểm kinh doanh như tiệm cắt tóc, viện thẩm mỹ.
Tuy nhiên, những con số thống kê dường như "phản bội" những tuyên bố đầy tự tin về chiến lược "một mình một kiểu" của Thụy Điển. Tỷ lệ tử vong của Thụy Điển đang cao hơn hẳn nhiều quốc gia châu Âu khác, chạm ngưỡng 22 trên 100.000 dân, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins. Trong khi đó, con số này của Đan Mạch chỉ là 7, Na Uy và Phần Lan là 4.
Tỷ lệ tử vong của Thụy Điển so với các quốc gia Bắc Âu. Đồ họa: CNN.
Đan Mạch và Na Uy đang bắt đầu nới phong tỏa, cho phép trẻ em trở lại trường từ 10 ngày qua nhưng giảm quy mô lớp học và yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 2 m. Một số cơ sở kinh doanh ở Na Uy được phép mở cửa từ ngày 27/4. Phần Lan vẫn tiếp tục kéo dài các biện pháp hạn chế tới 13/5.
Ngoài ra, Czech, quốc gia có quy mô dân số tương đương Thụy Điển với 10,7 triệu người, đã ghi nhận hơn 7.500 người nhiễm và gần 230 người chết, với tỷ lệ tử vong trên 100.000 dân là 2. Quốc gia này cũng có cách chống dịch khác Thuỵ Điển khi yêu cầu đóng cửa trường học, nhà hàng, quán bar, hầu hết cửa hàng; hạn chế đi lại và cách ly bắt buộc người đến từ vùng dịch từ đầu tháng 3. Chính phủ ra quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở khu vực công cộng.
Số ca tử vong trên 100.000 dân ở Thụy Điển vẫn khá thấp nếu so với các quốc gia như Italy, Tây Ban Nha hay Anh, với tỷ lệ lần lượt là 45, 51 và 32. Nhưng Thụy Điển có nhiều điểm khác biệt lớn so với những quốc gia này, như Italy có dân số già, nhiều người hút thuốc và đông gia đình nhiều thế hệ.
Trong lá đơn kiến nghị ngày 28/3 của 2.000 nhà khoa học Thụy Điển, trong đó có Carl-Henrik Heldin, chủ tịch Quỹ Nobel, kêu gọi chính phủ tuân thủ các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
"Các biện pháp cần được thực hiện sớm nhất có thể, bởi số ca nhiễm đang gia tăng ở các quốc gia láng giềng. Đất nước chúng ta không nên là ngoại lệ trong cuộc chiến với đại địch", đơn kiến nghị có đoạn.
Nhóm nhà khoa học cũng nói rõ rằng có ít cơ sở khoa học để "tạo ra được miễn dịch cộng đồng giống như cách làm với dịch cúm".
Chính phủ Thụy Điển không xem chiến lược của họ là "miễn dịch cộng đồng", điều mà Anh từng được cho là đã thực hiện trong giai đoạn đầu đại dịch và vấp phải chỉ trích gay gắt.
"Thụy Điển không có kế hoạch tạo miễn dịch cộng đồng để đối phó với Covid-19. Chúng tôi có những mục tiêu tương đồng với tất cả quốc gia khác, đó là cứu tính mạng người dân và bảo vệ hệ thống y tế công cộng", Lena Hallengren, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Xã hội Thụy Điển, khẳng định.
"Rõ ràng Thụy Điển đã ghi nhận nhiều ca tử vong hơn nhiều quốc gia châu Âu khác. Điều đó có lẽ một phần do chúng tôi không có lệnh phong tỏa bắt buộc", Jan Albert, giáo sư tại Viện Karolinska, nhận định.
Nhưng ông tin rằng phần lớn nhà khoa học ở Thụy Điển "khá im lặng" về kế hoạch miễn dịch cộng đồng bởi họ nghĩ rằng nó có thể hiệu quả. "Chiến lược của những quốc gia khác là gì? Cuối cùng, miễn dịch cộng đồng sẽ trở thành cách duy nhất để chống Covid-19, trừ khi có vaccine kịp thời, nhưng điều này khó có khả năng", Albert cho hay.
"Sự thật là không người nào ở Thụy Điển hay bất kỳ nơi nào khác biết đâu là chiến lược tốt nhất. Thời gian sẽ đưa ra câu trả lời", Albert nói thêm.
Giáo sư này khẳng định những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn chỉ giúp làm phẳng đường cong của dịch, nhưng điều đó không có nghĩa là dịch sẽ biến mất. Đồng thời, ông cũng tin rằng hệ thống y tế của Thụy Điển có thể ứng phó với tình hình hiện tại.
Các biện pháp hạn chế của Thụy Điển so với các quốc gia Bắc Âu. Đồ họa: CNN.
Peter Lindgren, giám đốc điều hành Viện Kinh tế Y tế Thụy Điển (IHE), đồng quan điểm với Albert. Ông Lindgren cho biết số người điều trị tại khoa chăm sóc tích cực ở quốc gia này trong vài tuần qua đã ổn định và xem đây là một tín hiệu cho thấy họ đã thành công.
"Một trong những mối quan tâm chính hiện nay ở Thụy Điển là tăng cường bảo vệ những người sống trong các viện dưỡng lão", bà Hallengren khẳng định. Nhưng nói thêm rằng "vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào về tính hiệu quả của những biện pháp mà Thụy Điển áp dụng".
Bộ trưởng Y tế Thụy Điển cho biết quốc gia này không phong tỏa hoàn toàn không có nghĩa là mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường và khẳng định các chuyên gia sẽ đảm bảo đưa ra các biện pháp đúng đắn cho từng thời điểm.
Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde ngày 27/4 cũng cho rằng "có quá nhiều hiểu nhầm" về chiến lược chống Covid-19 của quốc gia này.
Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển đầu tuần này dự đoán tới ngày 1/5, khoảng 1/3 số dân Stockholm, khoảng 600.000 người, sẽ nhiễm nCoV. Con số này cao hơn nhiều so với số ca nhiễm được báo cáo trên cả nước. Chưa đầy 24 tiếng sau, cơ quan này gây hoang mang khi thông báo "có lỗi" trong báo cáo trước đó và sửa lại rằng khoảng 26% dân số ở Stockholm sẽ nhiễm virus. Đồng thời, cơ quan này cũng khẳng định đỉnh dịch đã qua.
Nhà dịch tễ học Tegnell ngày 24/4 cho biết Thuỵ Điển sẽ ứng phó tốt hơn với đợt bùng phát Covid-19 thứ hai bởi nhiều nhiều ở Thụy Điển đã nhiễm nCoV. Ông khẳng định cách tiếp cận "mềm mỏng" đã có hiệu quả ở một số khía cạnh, bởi họ luôn có ít nhất 20% giường chăm sóc tích cực trống để tiếp nhận người nhiễm nCoV. "Chúng tôi tin rằng dịch đã đạt đỉnh một tuần trước", Tegnell nói.
"Chúng ta biết rất ít về khả năng miễn dịch đối với Covid-19, nhưng hầu hết chuyên gia ở Thụy Điển đều nhất trí rằng chúng tôi có một điều gì đó giống khả năng miễn dịch, bởi rất nhiều người được xét nghiệm cho thấy đã sản sinh ra kháng thể", Tegnell cho hay.
Không rõ chiến lược của Thụy Điển sẽ thành công hay thất bại, nhưng Ngoại trưởng Ann Linde khẳng định, "Chúng tôi chỉ đơn giản cố gắng làm mọi điều mà mình tin là đúng đắn".
Thanh Tâm (vnexpress)