Làn sóng biểu tình phản đối người nhập cư và Hồi giáo bùng phát thành bạo loạn ở nhiều nơi trên khắp nước Anh do sự lan truyền tin đồn thất thiệt về gốc gác của nghi phạm 17 tuổi vụ đâm dao nghiêm trọng nhắm vào trẻ em tham gia một lớp học múa ở thị trấn Southport cuối tháng trước.

New York Times ngày 8/8 dẫn thông báo của nhà chức trách Anh xác nhận khoảng 6.000 cảnh sát đã được triển khai tới hơn 10 thành phố và thị trấn trên khắp nước này để hỗ trợ tái lập trật tự, trong bối cảnh các cuộc biểu tình bạo lực chống nhập cư và phản đối Hồi giáo, do các nhóm cực hữu kích động, chưa hạ nhiệt. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên Anh huy động một lượng nhân viên an ninh lớn như vậy để ứng phó với tình trạng bạo loạn kể từ năm 2011.

1 Nuoc Anh Hon Loan Vi Tin Don That Thiet

Đám đông đốt phá đồ đạc trong cuộc biểu tình ở Rotherham, phía Bắc nước Anh. Ảnh: Reuters.

Làn sóng biểu tình bạo lực lần này bùng phát trên các thành phố lớn, nhỏ tại nước Anh sau khi nghi phạm Axel Rudakubana, 17 tuổi, bị bắt hôm 29/7 với cáo buộc đâm dao tại một trường dạy múa ở thị trấn Southport, vùng Merseyside, nơi tổ chức lớp yoga và nhảy múa chủ đề Taylor Swift dành cho trẻ em 6-11 tuổi.

Vụ tấn công nghiêm trọng do Rudakubana thực hiện khiến 3 bé gái thiệt mạng, 2 bé khác và 2 người lớn bị thương nghiêm trọng.

Theo Guardian, cảnh sát Anh ban đầu không công khai danh tính của Rudakubana do nghi phạm là người chưa thành niên. Tuy nhiên, trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn thất thiệt rằng nghi phạm là người tị nạn Hồi giáo đến Anh bằng thuyền hồi năm ngoái và nằm trong danh sách theo dõi của cơ quan tình báo MI6, dấy lên làn sóng bài nhập cư và phản đối Hồi giáo. Thông tin giả này lan truyền nhanh đến mức cảnh sát Anh buộc phải phá lệ khi khẳng định Rudakubana sinh ra tại vùng Cardiff của Anh và sống gần thị trấn Southport. Cảnh sát chưa công bố động cơ của Rudakubana, nhưng nhấn mạnh đây không phải một âm mưu tấn công khủng bố.

Suốt một tuần qua, hơn 100 cuộc biểu tình đã diễn ra tại Anh. Tại nhiều đô thị, những kẻ quá khích đã ném gạch đá, pháo sáng vào cảnh sát, phóng hỏa ôtô, tấn công nhà thờ Hồi giáo và các khách sạn là nơi trú ẩn của người xin tị nạn. Cảnh sát Anh cho rằng, một số cá nhân đang lợi dụng các giả thuyết không có thật và suy đoán về nghi phạm để cố tình gây mất trật tự trên đường phố.

Cảnh sát cũng nhận định, tình trạng lộn xộn chủ yếu liên quan tới những người từng thuộc Liên đoàn Phòng vệ Anh (EDL), tổ chức cực hữu bài Hồi giáo được thành lập cách đây 15 năm và hiện không còn tồn tại. Những người ủng hộ tổ chức này từng có liên quan đến nạn hooligan bóng đá. Hỗn loạn kéo dài đã khiến gần 430 người bị bắt, bao gồm cả những người có hành vi kích động bạo lực trên mạng xã hội, và ít nhất 120 người bị truy tố, đồng thời khiến một số quốc gia cảnh báo công dân thận trọng khi đến Anh.

Trước bối cảnh bạo lực chưa hạ nhiệt, tân Thủ tướng Anh Keir Starmer, ngày 7/8 (giờ địa phương) cảnh báo bất cứ ai tham gia hành vi bạo lực sẽ đối mặt với “toàn bộ sức mạnh của hệ thống luật pháp”. Đề cập đến những người bị bắt giữ vì hành vi kích động bạo lực, ông Starmer nêu rõ, “những người dính líu đến tình trạng hỗn loạn, dù trực tiếp hoặc trực tuyến, sẽ đều bị xử lý trong vòng một tuần”. Trước đó, Thủ tướng Starmer từng khẳng định tình trạng bạo lực “không đơn giản là một cuộc biểu tình vượt kiểm soát” mà là “một nhóm cá nhân có ý định bạo loạn”.

Ngay sau khi thông điệp của Thủ tướng Starmer được phát đi, tối 7/8, hàng chục ngàn người phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc đã tổ chức tuần hành tại nhiều thành phố khắp nước Anh trong đó có London, Birmingham, Bristol, Liverpool và Newcastle.

The Guardian cho biết, họ đứng thành hàng ngang, giơ cao những tấm biển mang dòng chữ “phản đối phân biệt chủng tộc”, tạo ra một “lá chắn sống” bên ngoài các trung tâm tị nạn.

“Đường phố này là của ai? Của tất cả chúng ta!”, đám đông hô vang trong cuộc biểu tình tập trung vài nghìn người ở Walthamsotw, Đông Bắc London. Một số vụ va chạm quy mô nhỏ đã xảy ra giữa hai phe biểu tình phản đối/ủng hộ nhập cư ở thành phố Blackpoool, Aldershot và một số nơi khác, nhưng cảnh sát đã nhanh chóng can thiệp nên không có thương vong nào được ghi nhận.

Nhà chức trách Anh được cho là đang khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường xử lý những kẻ quá khích. Bộ Tư pháp Anh ngày 8/8 thông báo, các phiên tòa sẽ được mở suốt đêm để nhanh chóng đưa những kẻ bạo loạn ra xét xử. Bên cạnh đó, các nhà tù sẽ bố trí thêm hơn 560 phòng giam sớm nhất là vào tuần tới để tiếp nhận các đối tượng bạo loạn bị kết án.

Trong khi đó, cảnh sát Anh công bố hàng loạt hình ảnh ghi từ camera giám sát, kêu gọi công chúng hỗ trợ xác định danh tính những người có hành vi bạo lực để nhanh chóng xử lý.

Giới quan sát đánh giá, khi biểu tình qua đi, Chính phủ Anh của Thủ tướng Starmer sẽ phải tìm cách giải quyết hai vấn đề gai góc, đầu tiên là ngăn chặn tình trạng chia rẽ trong dân chúng liên quan đến vấn đề người nhập cư và tiếp đó là ứng phó với vấn nạn tin giả trên mạng xã hội.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC