Pháp muốn Đức tham vọng hơn nữa vì tương lai EU. (Ảnh: Getty)
Sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra các đề xuất liên quan cải cách khu vực đồng tiền chung châu Âu vào hôm chủ nhật vừa qua, cũng là câu trả lời cho các đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Pháp đã bày tỏ mong muốn được thấy Đức nỗ lực hơn nữa trong vấn đề này.
Ngày 6/6, một nguồn tin của chính phủ Pháp cho biết, Pháp mong muốn được thấy Đức đi xa hơn nữa so với các đề xuất về cải cách khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được Thủ tướng Angela Merkel đưa ra mới đây. Đồng thời, nước Pháp sẽ cố gắng tận dụng các tuần tiếp theo để làm việc với Đức nhằm đạt được thêm các đồng thuận trong vấn đề này.
Nguồn tin trên cũng đánh giá, Thủ tướng Đức đã tiến gần hơn với quan điểm của Pháp về vấn đề chủ quyền của châu Âu cũng như cải cách Eurozone. Tuy nhiên, Pháp và Đức cần phải tiếp tục làm việc về các vấn đề này để đạt được các đồng thuận tham vọng hơn về một liên minh ngân hàng và khả năng tài chính của Eurozone.
Bộ trưởng kinh tế và Tài chính Pháp, ông Bruno Le Maire dự kiến có chuyến thăm Đức vào hôm thứ Sáu tới và có bài diễn văn về kinh tế châu Âu, trước khi đón tiếp Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz tại Pháp. Ngoài ra, Pháp và Đức còn một cơ hội khác để đạt được thêm đồng thuận khi hai bên sẽ tổ chức một kỳ họp Hội đồng chung vào ngày 19/6 tới tại Berlin.
Hôm chủ nhật vừa qua, Thủ tướng Đức đã trả lời phỏng vấn báo Chủ nhật Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung về một số đề xuất của Đức liên quan tương lai của châu Âu và cải cách khu vực đồng tiền chung châu Âu, cũng là câu trả lời cho các đề nghị của Tổng thống Pháp Macron.
Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh của EU, dự kiến vào ngày 28 và 29/6 tới, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức đã đặt ra mục tiêu đạt được đồng thuận về một lộ trình chung cho tương lai của châu Âu và Eurozone, đồng thời sẽ giới thiệu lộ trình này tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
Trong kế hoạch được công bố vừa qua, Thủ tướng Đức đã thể hiện đồng thuận với Tổng thống Pháp trong một số vấn đề, chẳng hạn việc thành lập một cơ quan quản lý người di cư toàn châu Âu, thiết lập các danh sách liên quốc gia trong các cuộc bầu cử ở cấp độ liên minh hay chủ trương giảm số lượng các Ủy viên châu Âu.
Tuy vậy, nước Đức vẫn còn cho thấy quan điểm chưa rõ ràng đối với nhiều đề xuất của Tổng thống Pháp, chẳng hạn như việc thành lập một liên minh ngân hàng hay ấn định thời điểm thành lập một hệ thống đảm bảo tiền gửi của châu Âu (EDIS)./.
Nguồn: Huỳnh Điệp/ VOV