Làm cha mẹ, sinh con ra ai cũng mong muốn có thể yêu thương và chăm sóc con khôn lớn trưởng thành. Tuy nhiên, không ai có thể được quyền tự lựa chọn số phận cho riêng mình mà chỉ đơn giản là chấp nhận.
Hơn 20 năm về trước, chị Phấn Hương ôm cái thai thứ 2 trong bụng bỏ nhà đi nơi khác sinh con. Thời bấy giờ, chính quyền Trung Quốc quy định mỗi gia đình chỉ được phép sinh một con. Cận kề ngày lâm bồn, chị đã ôm con gái lớn đến trốn tại một ngôi nhà trên thuyền neo đâu bên con kênh hẻo lánh, cách Hàng Châu khoảng 120 km.
Người ta nói có nỗi đau nào bằng nỗi đau vượt cạn của người mẹ. Vậy nên, giây phút anh Từ Lễ Đạt – chồng của chị Hương phải đưa đứa con ra ngoài phố để người ta nhặt về nuôi chắc chắn sẽ khiến hai người, đặc biệt là người mẹ đau thấu tâm can. Một buổi chiều muộn tại khu chợ rau ở Tô Châu, anh Đạt đã mang đứa con gái 5 ngày tuổi còn đỏ hỏn đặt bên vệ đường cùng một một lá thư đẫm lệ:
Bức thư tỏ rõ nỗi lòng của người cha, người mẹ phải bỏ con.
“Con gái Tịnh Nghệ của chúng tôi sinh vào 10h sáng ngày 24/7 Âm lịch năm 1995. Bởi vì cuộc sống quá nghèo khổ và pháp luật nghiêm khắc nên chúng tôi buộc phải bỏ rơi con bé. Cầu xin lòng thương xót của những ông bố bà mẹ trên thế gian này! Cảm ơn vì đã cứu lấy con gái chúng tôi. Nếu như Thiên đường nghe thấu, nếu như chúng tôi được mang đến với nhau bằng định mệnh, hãy cho chúng tôi gặp lại nhau một lần nữa trên cây cầu Đoạn ở Hàng Châu, vào buổi sáng lễ Thất tịch trong 10 hay 20 năm nữa”.
Thật may mắn, đứa bé tội nghiệp năm đó đã được bố mẹ Ken và Ruth Pohler là người Mỹ nhận nuôi. Hai người đặt cho cô bé cái tên đáng yêu Kati. Gia đình Pohler còn hai cậu trai lớn là Steven và Jeff. Cứ như vậy, Kati lớn lên hạnh phúc trong sự yêu thương chăm sóc của bố Ken và mẹ Ruth tại Mỹ.
Kati Pohler lớn lên với một bí mật to lớn về quá khứ của mình.
10 năm trôi qua, chị Hương và anh Đạt chưa bao giờ thôi nghĩ về đứa con mà mình đã từng dứt bỏ. Lễ Thất tịch năm 2005, vợ chồng anh chị đã đứng đợi trên cầu Đoạn từ sáng sớm như đã hẹn, họ cầm một chiếc bảng lớn cùng bức thư năm xưa trên tay chạy tới chạy lui trên cầu, ai đi qua cũng gọi lại hỏi xem có phải con gái mình không?
Đến cuối ngày anh chị thất thểu ra về, cũng có nhiều người đã chứng kiến sự việc của anh chị hôm đó. Trong số đó có một nhóm làm phim, họ vô cùng xúc động trước cảnh chờ con của hai người. Nhóm làm phim đã giúp bố mẹ đẻ của Kati lan truyền thông tin bằng cách thực hiện một phóng sự về những trẻ em Trung Quốc được nhận làm con nuôi trên khắp thế giới.
Thực ra, cả hai anh chị đều không biết rằng vào đúng ngày lễ Thất tịch năm đó, vợ chồng Pohler cũng nhờ một người bạn Trung Quốc đến cầu Đoạn để tìm bố mẹ ruột của Kati. Tuy nhiên, có lẽ nhân duyên chưa đến, nên người bạn này đến muộn và đã không thể gặp được chị Hương và anh Đạt.
Gia đình hạnh phúc của Kati.
Bên cạnh những điều bí mật của con gái nuôi, vợ chồng Pohler không có ý định nói gì về điều này cho đến khi cô bé ít nhất 18 tuổi, và nếu như trong trường hợp con thật sự muốn tìm hiểu về gốc rễ của mình. Bố mẹ nuôi của Kati nói:
“Chúng tôi không muốn Kati liên quan đến một sự việc quá mơ hồ như thế này. Nhưng điều quan trọng là chúng tôi muốn bố mẹ ruột của Kati biết con gái của họ đã được nhận nuôi bởi một gia đình tràn ngập tình yêu thương và có thể cho bé một ngôi nhà ấm áp”.
Gia đình bố mẹ nuôi đã giữ im lặng 12 năm tiếp theo, trong thời gian đó bố mẹ nuôi của cô đã chia sẻ rằng: “Chúng tôi thấy không cần tiếp xúc thêm nữa”, Ruth nói. “Chúng tôi cho rằng nên đợi khi Kati lớn lên và xem ý con thế nào. Kati là con gái của chúng tôi. Đúng là Kati có bố mẹ ruột, nhưng mối quan hệ sâu sắc hơn với họ sẽ làm cho mọi vấn đề trở thành phức tạp hơn”.
Cô bé bị bỏ rơi năm nào giờ đã thành một thiếu nữ trưởng thành.
Cho đến năm ngoái khi Kati 21 tuổi và đang trong quá trình chuẩn bị cho học kỳ trao đổi sinh viên tại Tây Ban Nha. Lúc đó, cô đã nghĩ:
“Tôi nghĩ mọi người ở đó chắc sẽ hỏi mình về Trung Quốc và Mỹ. Vì vậy, tôi đã hỏi mẹ về quá khứ của mình và bà ấy trả lời: Có lẽ bố mẹ nên nói với con là thật ra bố mẹ biết bố mẹ ruột của con là ai”. Khi đó Kati đã rất xúc động không thể nói lên lời.
Sau 22 năm chờ đợi, vậy là lời hẹn ước cũng đã trở thành hiện thực tuy có muộn màng đôi chút. Nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ nuôi, Kati đã gặp lại bố mẹ đẻ của mình ngay tại chính cây cầu Đoạn năm nào. Mẹ của Kati đã vô cùng xúc động và liên tục khóc khi được đoàn tụ với con gái, tuy nhiên có một chút khó khăn trong giao tiếp khi không cùng ngôn ngữ vì Kati nói tiếng Anh từ bé.
Đoàn tụ sau 22 năm ly biệt.
Kati chia sẻ: “Thật là tuyệt vời khi có thể gặp lại bố mẹ mình. Tôi rất ngạc nhiên khi người mẹ Trung Quốc của mình có cảm xúc vỡ òa đến như vậy”.
Chị Hương khiến con gái trở nên khá bối rối vì cách chăm sóc đặc biệt của mình. Vì để bù đắp lại tất cả những ngày tháng mà cô phải ở xa bố mẹ, chị muốn cho con hiểu tình thương của mình. Nhưng cách biểu lộ này lại rất khác biệt với nền văn hóa mà Kati lớn lên. Cô gái trẻ chia sẻ: “Điều đầu tiên họ nói là tôi gầy quá, phải ăn nhiều hơn, ‘nếu không chịu ăn, mẹ sẽ đút con ăn’. Tôi nghĩ họ rất phấn khích và muốn được chăm sóc cho tôi để khuây khỏa phần nào nỗi mong nhớ trong suốt bao nhiêu năm qua”.
Ngày trở lại Mỹ, Kati xúc động bày tỏ: “Tôi muốn gặp lại họ, tôi muốn có một mối quan hệ nào đó. Câu hỏi lớn ở đây là, họ là gì của tôi? Tôi còn chẳng biết phải gọi họ như thế nào nữa. Dù là thế nào, tôi thật sự cảm thấy rất vui vì có thể kết nối trở lại với nơi tôi đã được sinh ra”.
Dù Kati có sự ngỡ ngàng khi chưa kịp nhận ra sự thật, nhưng quê hương vẫn là nơi cô mong muốn được trở về. Được tìm hiểu những điều mà bản thân cô còn chưa biết, câu chuyện của cô cũng chưa được mẹ nói hết cho nghe vì bất đồng ngôn ngữ. Nhưng bằng sự yêu thương và một trái tim biết cảm nhận sự chân thành, Kati sẽ sớm tìm thấy câu trả lời cho mình và tìm lại được sự gắn kết của mình đối với quê hương và với cha mẹ Trung Quốc của mình.
Nguồn: Soha, DKN.TV