Không phải bỗng dưng mà Tổng thống Pháp Macron đang hô hào ý tưởng thành lập một đội quân riêng cho Châu Âu mà ngay từ cách đây 4 năm, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, đề nghị thành lập một quân đội thống nhất của EU.
Tất nhiên rồi, lục địa già Châu Âu đâu có thiếu giới tinh hoa chính trị, là một lục địa văn minh giàu có nhất thế giới…thì có lẽ nào lại không muốn có được một đội quân riêng của mình để tự mình chỉ huy, ra lệnh thực hiện các mục tiêu chính trị của mìn thay vì Mỹ-NATO cơ chứ.
Ông Macron muốn hiện thực ý tưởng thành lập quân đội riêng cho Châu Âu.
Tuy nhiên, kể từ thế chiến thứ 2 kết thúc đến nay, Châu Âu được Mỹ 'bảo kê', lại được mang danh mình là thành viên NATO – một liên minh quân sự hùng mạnh, "thích thì lấy, ghét ai thì đánh" nên đã thõa mãn, toại nguyện với vị thế dù là "chư hầu Mỹ" của mình.
Thế thời thay đổi…
Nga và Trung Quốc, đặc biệt là Nga, đang trỗi dậy thách thức nghiêm trọng địa vị thống trị của Mỹ… Chính cuộc đối đầu gay gắt giữa Mỹ và Nga, sau đó với Trung Quốc đã trở thành một "tiếng chuông đánh thức" một số nhà lãnh đạo EU.
Nga đã đánh đo ván Mỹ-NATO tại Ukraine, tại Syria và thể hiện sức mạnh không thể ngăn cản tại Trung Đông; Nga đã đánh sập 2 huyền thoại "ưu thế quân sự" và "tính bất khả xâm phạm" bằng các loại "vũ khí siêu nhiên" thì thế giới đã không còn đơn cực như xưa nữa.
Trong bối cảnh đó thì Mỹ-NATO cũng không còn như xưa nữa, không còn muốn đánh ai thì đánh mà không bị giáng trả đích đáng từ Nga… Và, điều tất yếu là Mỹ buộc phải quyết liệt chống lại Nga, Trung Quốc để bảo vệ ngai vàng của mình.
Chẳng có gì là khó hiểu, chối cãi, khi Mỹ đã đến lúc cần sử dụng các lực lượng được nuôi, được vỗ béo trước đây, chống lại Nga, Trung Quốc để nước Mỹ vĩ đại trở lại, để nước Mỹ trên hết: Đó là EU và NATO.
…"con giun xéo lắm cũng quằn"
Những tình tiết trước đây khi EU theo lệnh Mỹ trừng phạt Nga trong vụ khủng hoảng Ukraine dù EU cảm nhận được hành vi "phi thể thao" của Mỹ với mình nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, chỉ là chuyện nhỏ.
Thời điểm thức tỉnh xảy ra khi các lệnh trừng phạt của Mỹ bắt đầu ảnh hưởng đến lợi ích của Châu Âu…
Các cuộc tấn công không chính thức của Mỹ vào dự án quốc tế Nord Stream 2 khiến tiếng nói của Thủ tướng Đức mạnh mẽ hơn trong các tranh chấp của bà với Mỹ.
Động thái của Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa mà châu Âu cung cấp truyền thống cho thị trường Mỹ và các thao tác với hệ thống thanh toán SWIFT buộc các nước EU phải suy nghĩ về vị thế của mình.
Lưu ý rằng, những người sáng lập SWIFT bao gồm 248 ngân hàng từ 19 quốc gia. Iran và Bắc Triều Tiên khi bị ngắt kết nối khỏi hệ thống theo sáng kiến của LHQ. Nhưng lần này, Iran đã bị cắt đứt khỏi SWIFT chỉ Mỹ đơn phương quyết định bất chấp EU.
Thông qua SWIFT, Mỹ theo dõi, quản lý toàn bộ sự giao dịch của EU, do đó tất cả các khoản thanh toán mà tất cả người dùng khác như EU, Nga, Trung Quốc... thực hiện thông qua SWIFT trở nên minh bạch đối với các dịch vụ đặc biệt của Mỹ.
Nga, Trung Quốc và Iran đã rút ra kết luận của họ và thành lập hệ thống thanh toán điện tử của riêng họ. Nga đã phục vụ các khoản thanh toán trong nước thông qua SPFS (Hệ thống báo cáo tài chính) của Ngân hàng Nga.
Trong việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, Mỹ quyết định trừng phạt thứ cấp, có nghĩa là nếu EU không tuân thủ thì vì "nước Mỹ trên hết", EU vẫn bị trừng phạt.
Về quân sự. EU những tưởng đã an toàn khi hiệp ước INF thực hiện, nhưng Mỹ đơn phương rút khỏi bất chấp toàn bộ châu Âu nằm dưới mũi tên lửa hạt nhân tầm trung của Nga, Mỹ muốn biến châu Âu thành chiến trường hạt nhân…
Tổng thống Pháp Macron đột nhiên quyết định rằng Pháp phải trở thành một quốc gia độc lập, bao gồm trong lĩnh vực an ninh mạng, cũng như trong tất cả các lĩnh vực quân sự - trên đất liền, trên biển, trên không và trong không gian…
Ông Emmanuel Macron hô hào thành lập quân đội EU độc lập với NATO được Đức ủng hộ và tất nhiên, Nga càng vui mừng hoan nghênh. Hành động của Pháp, Đức hiện tại nó trông giống như một cuộc nổi dậy…
Quân đội EU? có là hoang tưởng?
Chiến tranh thế giới 2 kết thúc, Nhật Bản tại châu Á và châu Âu nói chung là kẻ bại trận trước Mỹ-Anh. Vì thế, Nhật Bản, châu Âu đã trở thành một thuộc địa kiểu mới hay "thuộc địa ảo" của Mỹ.
Tại Nhật Bản, dưới sự chỉ huy của Mỹ, một "hiến pháp hòa bình" ra đời mà kết quả là chẳng ai gọi "Quân đội Nhật Bản" mà là "lực lượng phòng vệ". Mỹ đã thực sự bẻ nanh vuốt của đội quân Thiên Hoàng ngày nào để làm gì?
Tại Châu Âu có khác đi khi Mỹ thành lập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tướng Tư lệnh NATO luôn là người Mỹ. Đối tượng tác chiến của NATO là Liên Xô, đến Nga và chắc chắn hết Nga sẽ đến một ai đó, lực lượng nào đó, nghĩa là NATO luôn luôn tồn tại.
Vì vậy, khi quân đội EU độc lập, chính là huyệt chôn NATO, chừng nào quân đội EU ra đời thì cũng chính là lúc huyệt được đào xong và NATO bị vùi xuống mộ. NATO không còn ý nghĩa, vai trò, chế tài gì hết với EU, nó chỉ đơn thuần là quân đội Mỹ.
Trong nhiều năm, Mỹ đã yêu cầu người châu Âu cần phải chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, vì Mỹ đã gánh vác gánh nặng này quá lâu. Đến thời Trump, ông ta còn "quyết liệt" hơn khi đe dọa sẽ rút khỏi NATO bởi vì người châu Âu "tải miễn phí" vào "bảo vệ" của Mỹ.
Điều trớ trêu là bây giờ khi các nhà lãnh đạo Pháp và Đức đang nói về việc thiết lập phòng thủ quân sự của riêng mình, Trump đã nổi nóng.
Tại sao vậy? Lẽ ra Trump mừng vui khi Châu Âu tự bảo vệ được mình trước Nga, Trung Quốc mà mình đỡ phải gánh nặng mới đúng chứ!
Điều này cho thấy trọng tâm của vấn đề về mục đích thực sự của NATO và sự hiện diện của hàng chục ngàn lính Mỹ đóng quân tại các căn cứ trên khắp châu Âu kể từ năm 1945 không phải là "bảo vệ" các đồng minh mà chỉ áp đặt sức mạnh của người Mỹ trên khắp châu Âu.
Trong thực tế, quân đội và căn cứ của Mỹ ở châu Âu hoạt động chủ yếu như một lực lượng chiếm đóng, giữ cho người châu Âu phù hợp với mục tiêu chiến lược của Washington về quyền bá chủ trên lục địa này.
Vậy Mỹ có để cho sự ra đời của Quân đội EU không? Mỹ có để cho Nhật Bản thành lập một quân đội "bình thường" không? Câu trả lời ai cũng biết.
Nguồn: Lê Ngọc Thống/ Baodatviet.vn