Starbucks đã công bố một chính sách mới vào thứ Bảy, cho phép tất cả mọi người được ngồi trong tiệm cà phê hoặc sử dụng nhà vệ sinh của hãng này, ngay cả khi họ không mua bất kỳ thứ gì.

Chính sách mới này được đưa ra 5 tuần sau khi hai người đàn ông không mua hàng bị bắt đi tại một tiệm cà phê Starbucks ở Philadelphia.

Giám đốc quản trị công ty nói rằng các chính sách trước đó của họ lỏng lẻo và mơ hồ, cho nên việc quyết định để cho ai ngồi trong cửa tiệm hay dùng nhà vệ sinh tùy thuộc vào người quản lý.

Starbucks cho biết họ đã thông báo với nhân viên rằng bất kỳ ai cũng được quyền ngồi trong quán, sân hiên hoặc dùng nhà vệ sinh dù họ không mua thứ gì, nhưng vẫn lưu ý rằng nhân viên phải gọi cảnh sát nếu cảm thấy ai đó là mối đe dọa.

Starbucks tuyên bố: “Chúng tôi cam kết tạo ra môi trường ấm áp để mọi người cảm thấy được chào đón.”

Starbucks: Được ngồi chơi và dùng nhà vệ sinh dù không mua hàng - 0

Photo Credit: AP

Hai người đàn ông da đen bị bắt vào 12/04 tại Philadelphia trong khi chờ một người thứ ba đến. Một trong số họ bị từ chối sử dụng nhà vệ sinh vì ông ấy không mua hàng. Một nhân viên gọi cảnh sát và hai người đàn ông, Rashon Nelson và Donte Robinson, đã bị bắt. Hai ông đã bị giam trong vài giờ trước khi được thả ra.

Video ghi lại sự việc này đã được đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội, gây một làn sóng chỉ trích Starbucks dữ dội. Starbucks tự hào mình là một công ty có ý thức xã hội và quảng cáo các cửa hàng của mình là nơi để tụ họp.

Đáp lại vụ bắt giữ, Starbucks có kế hoạch đóng cửa 8,000 cửa hàng ở Mỹ vào chiều ngày 29 tháng 5 để huấn luyện nhân viên về các vấn đề liên quan đến chủng tộc.

Hai người đàn ông bị bắt giữ đã nhận một khoản tiền hòa giải không được tiết lộ và lời đề nghị trả tiền học phí đại học. Họ cũng đạt được một thỏa thuận với Philadelphia để thành lập chương trình $200,000 Mỹ kim cho các doanh nhân trẻ.

Nguồn: Nam Phố

CaliToday




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC