Việc sử dụng những vấn đề trong xã hội để quảng cáo, làm trò cười với mục đích kinh doanh hoặc tệ hại hơn là với những mục đích tiêu cực khác luôn gây ảnh hưởng đến một ai đó. Đặc biệt là những cá nhân có liên quan trực tiếp đến trò cười.

Suy ngẫm về thiện – ác: Lá thư gửi Hyundai về một quảng cáo vô tâm khiến người khác đau lòng - 0

Bức thư dưới đây có thể là một ví dụ đau lòng cho những điều hài hước một cách ác ý đang được chia sẻ hàng ngày trên Internet.

Kính gửi Hyundai và kính gửi công ty Marketing mà các vị đã thuê, Innocean.

Đây là bố của tôi.

Suy ngẫm về thiện – ác: Lá thư gửi Hyundai về một quảng cáo vô tâm khiến người khác đau lòng - 1

(Ảnh: hollybrockwell.com)

Tên của ông ấy là Geoff. Ông kết hôn với mẹ tôi trong thập niên 80 và sinh được hai người con gái, đó là tất cả tình yêu của cuộc đời ông.

Còn đây là lời nhắn của cha tôi để lại trước khi tự tử trong xe của mình:

Suy ngẫm về thiện – ác: Lá thư gửi Hyundai về một quảng cáo vô tâm khiến người khác đau lòng - 2

Hãy nói với các con rằng anh yêu chúng như thế nào và anh không thể chịu nổi khi nghĩ đến việc phải chia tay chúng như thế này. Hãy giúp anh hôn chúng mỗi ngày (Ảnh: hollybrockwell.com)

Cũng là một người trong nghề, tôi muốn gửi lời chúc mừng tới các ngài khi quảng cáo đã đạt được những phản ứng khá tích cực đúng như những gì mà người làm quảng cáo chúng ta mong muốn. Nó thôi thúc tôi chia sẻ điều này lên Twitter và Blog của mình. Nhưng tôi không thể làm thế vì video quảng cáo này đã làm tôi khóc khi nhớ tới bố.

Khi video đó được bật lên, tôi đã nhìn thấy những cảnh quay cửa kính ô tô được dán kín bằng băng keo và khí thải được đưa vào bên trong qua một ống nhỏ, tôi bắt đầu run rẩy. Tôi run rẩy đến nỗi phải đặt ly nước xuống bàn trước khi kịp làm đổ nó. Và tôi bắt đầu khóc. Tôi nhớ về cảnh tượng những xe cảnh sát và cứu thương bên ngoài khung cửa, tự hỏi rằng điều gì đã xảy ra. Tôi nhớ rằng mẹ đã ngồi xuống và giải thích rằng bố đã đi ngủ và sẽ không thức dậy nữa, ông ấy sẽ không thể đưa tôi đến buổi sinh nhật của bạn tôi vào tuần tới. Ông không thể quay trở về bên tôi khi đã ở trên thiên đường. Và đau đớn hơn, tôi còn phát hiện ra rằng, khi bố chết, ông vẫn còn giữ con thỏ bông của em gái tôi ở trong lòng.

Bất ngờ thay, khi xem hết video của các ngài, người đàn ông kia không hề chết bởi vì hệ thống lọc khí thải của Hyundai đã làm việc quá tốt. Nhưng tôi không thể ngừng khóc, thông điệp thú vị của các ngài không thể an ủi nỗi buồn của tôi. Tôi mệt, trống rỗng và nhớ về bố mình.

Suy ngẫm về thiện – ác: Lá thư gửi Hyundai về một quảng cáo vô tâm khiến người khác đau lòng - 3

(Ảnh: Automotive News)

Tôi hiểu hơn ai hết rằng, người làm quảng cáo cần một điều gì đó mới mẻ, một điều gì đó đáng để bàn tán, thậm chí hơi thái quá để nâng số lượt xem lên. Tôi chỉ không hiểu là vì sao một nhóm người lạ lại muốn tôi rơi nước mắt để bán xe cho tôi. Tại sao tôi lại được nhắc nhở về những khoảnh khắc đau đớn nhất cuộc đời mình, về ngày sinh nhật, ngày tốt nghiệp mà ông ấy không bên tôi.

Tôi từng làm kế toán quản lý cho một công ty xe hơi, tôi cũng từng làm cho Honda cả năm trời. Và thật kỳ lạ, tôi chưa từng thấy một quảng cáo nào thông minh nhất – sáng tạo nhất lại gợi mở cho khách hàng những cảm xúc tiêu cực về sự tự sát. Và kỳ lạ hơn nữa, tôi có thể – và vẫn có thể nghĩ ra cả nghìn ý tưởng sáng tạo để làm quảng cáo mà không cần phải khiến ai đó đau lòng khi nghĩ về bố của mình.

Vì vậy, tôi mong muốn rằng, lần sau khi các ngài dự định công bố với thế giới những đổi mới trong thiết kế xe hơi, hãy nghĩ về nó lâu hơn một chút. Nghĩ về tôi, về bố tôi và cả ngàn nạn nhân tự tử khác cùng gia đình của họ.

Bố tôi chưa bao giờ lái một chiếc Hyundai nào. Cám ơn các vị, tôi cũng vậy!

Holly Brockwell.

Đó là bức thư gửi tới công ty Hyundai của cô Holly Brockwell sau khi xem video quảng cáo mẫu xe hơi mới của hãng trên Internet. 

Quảng cáo của Hyundai lên sóng ngày 19/4/2013 ở thị trường Anh. Sau bức thư của này, Hyundai đã phải rút lại quảng cáo, và viết thư xin lỗi công khai vào ngày 25/4/2013.

Những hình ảnh thương tâm và u tối chiếm đa số trong video quảng cáo này, khiến người đọc không khỏi phẫn nộ về câu chuyện đằng sau nó. Có thể bạn nói rằng, mẫu quảng cáo trên chỉ vô tình động chạm đến ký ức của một cô gái trẻ, và có lẽ không phải ai trong trường hợp đó cũng sẽ khóc như thế. Nhưng hãy thử nghĩ lại xem, sẽ như thế nào khi sự vô tâm của cộng đồng trở thành trò đùa ác ý?

Cái ác đến từ người xấu quả thật là đáng sợ, nhưng cái ác đến từ những người lương thiện còn đáng sợ hơn nữa, vì không gì đau đớn bằng tự mình làm hại mình…

Mỗi khi chúng ta lôi một sự việc nào đó ra làm trò cười, dù vô tình hay cố ý, bạn vẫn đang làm tổn thương những người khác. Gần đây, một sự kiện khiến cư dân mạng xã hội dậy sóng, đó là câu chuyện Hội Thánh Đức Chúa Trời. Tạm gác chuyện ai đúng ai sai, chúng ta hãy nhìn lại cách cộng đồng mạng đã phản ứng như thế nào với những tin “sốt dẻo” như thế.

Khắp các trang Facebook, người ta chế diễu, lợi dụng làm quảng cáo gây cười, thu hút người xem bằng những video “bắt Trend” mang tính xúc phạm. Có lẽ không ai sai nều điều bạn chế diễu là những kẻ xấu, nhưng xin đừng nhầm lẫn, vẫn có người vô tội bị vạ lây vì điều đó. Đó là những người có niềm tin tôn giáo khác, đặc biệt là cộng đồng người Công Giáo. Họ không làm gì bạn và tôi, nhưng họ lại bị hiểu nhầm và hứng chịu những lời lăng mạ và trêu chọc đủ điều của người khác về Đức Chúa Trời của họ…

Suy ngẫm về thiện – ác: Lá thư gửi Hyundai về một quảng cáo vô tâm khiến người khác đau lòng - 4

(Ảnh: Yeutre.vn)

Một ví dụ khác là nếu ai đó có lối sống khác biệt, mọi người nói rằng anh ta bị “tự kỷ”.

Thế nhưng những gia đình có con bị tự kỷ liệu có thể yên lòng khi mọi người lấy căn bệnh quái ác đang đeo bám con họ để ví von cho một lối sống kỳ quặc hay không? Trong muôn ngàn cách đùa cợt và mô tả, tại sao ta lại đi chọn một kiểu nói dễ gây tổn thương nhất. Đáng sợ thay, giờ đây nó được cộng đồng các bạn trẻ sử dụng như là một kiểu ngôn ngữ thông dụng và thời thượng trong cuộc sống hàng ngày.

Và dù sao, một công ty tầm cỡ như Hyundai cũng sẵn sàng sửa sai bằng cách xin lỗi và chắc chắn rằng họ không còn tái phạm nữa, vì hậu quả của một quảng cáo sai lầm là rất nghiêm trọng. Nhưng với chúng ta, liệu có thể sửa sai khi lời nói đã được buông ra. Liệu ta có cần phải rút kinh nghiệm khi dòng bình luận đã ghim sâu vào tâm trí ai đó. Và khi chúng ta chẳng phải nhận lãnh bất cứ trách nhiệm nào cho hành vi của mình, liệu ai có thể đảm báo rằng bạn và tôi không tham gia vào bất cứ trò trêu chọc ác ý nào như thế nữa.

Với những người bị hại, khi họ nghe một lời đùa cợt của bạn, có thể vấn đề là không lớn, nhưng khi họ bị cả một nhóm người, một cộng đồng lớn trong xã hội đùa cợt, liệu họ có bị tổn thương hay không? Và khi bạn vô tình rơi vào hoàn cảnh của họ, ai sẽ đứng ra lên tiếng cho bạn??? Cái ác đến từ người xấu quả thật là đáng sợ, nhưng cái ác đến từ những người lương thiện còn đáng sợ hơn nữa, vì không gì đau đớn bằng tự mình làm hại chính mình…

Hãy cẩn trọng trong từng lời nói và hành động của mình, xét cho cùng nghĩ về người khác cũng chính là nghĩ về lợi ích của chính bạn trong tương lai.

 

Nguồn: Trọng Đạt

DKN.TV




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC