Giới quan sát hiện đang trông ngóng cuộc gặp giữa Trump và Tập Cận Bình trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Argentina vào cuối Tháng Mười Một sẽ tạo cú hích chuyển biến.
Doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc hy vọng Trump mang lại thay đổi
Vào ngày 21/11, chuyên trang blogger Rob Cox của hãng tin Reuters Anh công bố bài viết chỉ ra, nhìn từ bề ngoài thì dường như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến các quan chức ĐCSTQ và nhiều tổ chức truyền thông lên án “chủ nghĩa bảo hộ” của Washington, nhưng điều đáng ngạc nhiên là một số doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc lại âm thầm ủng hộ ông Trump để gây áp lực lên chính quyền Bắc Kinh nhằm thúc đẩy cải cách.
Bài viết cho rằng, do các doanh nhân Trung Quốc Đại lục này mong đợi thị trường Đại lục tự do và cởi mở hơn, nhưng không ai trong nước có thể gây áp lực được đối với giới chức cao nhất để thúc đẩy nhanh cải cách. Mặc dù đa số đòi hỏi thương mại của Trump không trực tiếp có lợi cho họ, cũng rất ít người nghĩ rằng việc áp đặt thuế nhập khẩu hoặc thắt chặt các hạn chế đầu tư sẽ có lợi cho Mỹ, nhưng do tình hình cải cách thị trường Đại lục bị đình trệ nên có thể nói gần như Trump là nguồn áp lực duy nhất thúc đẩy giới chức cao nhất tại Bắc Kinh phải cải cách.
Bài viết cho rằng phái cải cách mong đợi ông Trump trở thành động lực từ bên ngoài thúc đẩy cải cách kinh tế ở Trung Quốc. Quan điểm của phe cải cách là, mặc dù ông Trump đang vung đao thuế quan, nhưng nếu có thể buộc các lãnh đạo ĐCSTQ phải hành động, đồng ý mở cửa thị trường, sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, đặc biệt là trong việc cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty Images)
Gần đây, lãnh đạo ĐCSTQ tiếp tục lên tiếng thể hiện quan điểm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân, nhưng bầu không khí chính trị mới này là vì áp lực của Mỹ, hay do giới chức Bắc Kinh nhận rõ tầm quan trọng của doanh nghiệp tư nhân đối với nền kinh tế? Đây là vấn đề chưa thể biết được. Nhưng dù như thế nào, bài viết chỉ ra rằng giới điều hành doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đang âm thầm mong ông Trump sẽ mang lại thay đổi cho môi trường kinh doanh tại Trung Quốc Đại lục.
Bên nào thiệt hơn trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung?
Trong vài tháng qua từ bùng nổ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nền kinh tế Mỹ vẫn cho thấy xu hướng phát triển mạnh mẽ, còn nền kinh tế Trung Quốc bị suy thoái mạnh. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như vẫn không chịu chấp nhận các yêu cầu của Mỹ về “thương mại công bằng”.
Hiện nay, chính quyền Trump đã áp đặt mức thuế trừng phạt từ 10% đến 25% trên 250 tỷ USD (đô la Mỹ) hàng hóa Trung Quốc, còn ĐCSTQ đã đáp trả bằng việc áp đặt mức thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Chính quyền Trump đã tuyên bố rằng nếu Bắc Kinh không thay đổi thì Mỹ sẽ đánh thuế thêm 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy Trung Quốc sẽ trả giá cao hơn vì cuộc chiến thương mại.
Theo báo cáo của “Mạng lưới nghiên cứu Chính sách kinh tế và tài chính châu Âu”(EconPol Europe) của Liên minh châu Âu (EU), cuộc chiến thuế quan đã mang lại các kết quả tốt cho chính phủ Trump, theo đó nhập khẩu sản phẩm Trung Quốc có liên quan của Mỹ giảm được khoảng 37% và giảm được 17% thâm hụt thương mại .
Báo cáo chỉ ra rằng, sau khi Mỹ áp mức thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD, các công ty và người tiêu dùng Mỹ sẽ chỉ phải trả thêm 4,5% thuế quan, còn lại 20,5% do các nhà sản xuất Trung Quốc phải gánh chịu.
Mặc dù thuế quan có thể làm thay đổi trong quyết định tiêu dùng của người dân Mỹ, báo cáo cho rằng gánh nặng kinh tế chủ yếu chuyển sang cho các công ty xuất khẩu của Trung Quốc, còn chính phủ Mỹ vẫn có thể thu lợi 18,4 tỷ USD.
Nhiều hy vọng “hội đàm Trump – Tập” sẽ mang lại chuyển biến
Gần đây, Mỹ tiếp tục gây áp lực yêu cầu Bắc Kinh thay đổi. Ngày 20/11 chính quyền Trump đã đưa ra một báo cáo mới. Đại diện Thương mại Mỹ Wright Abashidze nói: “Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không thay đổi từ nền tảng cơ bản về chính sách không công bằng, thủ đoạn thương mại bất hợp lý và làm méo mó thị trường, cách làm này là chủ đề của Khoản 301 báo cáo điều tra công bố tháng 03/2018”. Đây là vấn đề cốt lõi của xung đột thương mại Trung-Mỹ.
Cùng ngày, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Mỹ Larry Kudlow chia sẻ với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng, cuộc gặp của nguyên thủ Trung Quốc và Mỹ tại Hội nghị G20 sẽ là một thời điểm quan trọng đối với các tranh chấp thương mại Trung-Mỹ. Ông cho biết đã có rất nhiều ý kiến phản đối ĐCSTQ, và ĐCSTQ cũng không muốn thấy nhiều phản đối như vậy.
Kudlow dự đoán: “Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ là một thời điểm quan trọng, tôi nghĩ đây là một thời điểm quan trọng”. Ông chỉ ra, ông Trump lạc quan về việc đạt được một thỏa thuận miễn là đáp ứng được một số điều kiện nhất định. Kudlow cũng nói rằng thỏa thuận phải bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vấn đề thuế quan.
Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra từ 30/11 – 01/12 tại Argentina, trước đó tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) tại Hồng Kông đưa tin, ông Trump và ông Tập Cận Bình dự định gặp nhau trước ngày khai màn Hội nghị thượng đỉnh G20 một ngày, nghĩa là ngày 29/11, nhưng sau đó thông tin lại cho biết cả hai sẽ có một bữa ăn tối trò chuyện sau khi bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G20.
Tuy nhiên, gần đây truyền thông Tây Ban Nha đưa tin ông Tập Cận Bình sẽ đến thăm nước này vào ngày 28/11. Đồng thời, Phó Thủ tướng của ĐCSTQ Lưu Hạc phụ trách đàm phán thương mại theo lý nên thảo luận với Mỹ trong việc chuẩn bị cho cuộc gặp Trump – Tập và đàm phán thương mại Trung-Mỹ, nhưng thông tin lại chỉ ra ông này sang Đức từ ngày 25 – 28. Do đó, “hội đàm Trump – Tập” sẽ vào thời điểm nào còn chưa rõ được.
Theo Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI), cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có thể lại đang đứng trước khả năng xảy ra biến cố rắc rối mới.
Nguồn: Huệ Anh
Tri thức Việt Nam