Báo Mỹ đánh giá cao kết quả chống dịch Covid-19 của Việt Nam
Đại dịch Covid-19 đã lan rộng ra nhiều quốc gia vào từng giai đoạn khác nhau. Mỗi nơi lại có các cách xử lý dịch bệnh khác nhau, tùy thuộc vào hệ thống y tế, chính trị và kinh tế. Mới đây, Politico – tạp chí Mỹ chuyên về các vấn đề chính trị – đã đưa ra bảng xếp hạng dựa trên việc thống kê về tình trạng lây nhiễm, số ca tử vong, tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỷ lệ thất nghiệp và các biện pháp chống dịch của chính phủ từng nước. Từ đó, các nước được phân thành 3 nhóm – chịu hạn chế nhẹ, vừa và nghiêm trọng.
Tạp chí Politico cho biết họ xếp hạng dựa trên việc tham khảo số liệu thống kê chính thức về dịch bệnh từ Worldometer, Đại học Johns Hopkins và từ các nghiên cứu riêng của tòa soạn. Trong số 30 quốc gia được xếp hạng, Việt Nam được đánh giá tốt nhất về cả kết quả chống dịch lẫn tác động kinh tế.
“Việt Nam là nước đông dân nhưng không có ca tử vong nào, với khoảng 300 ca nhiễm được ghi nhận trong tổng số 95 triệu dân. Nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng 2,7% trong năm 2020, đưa Việt Nam trở thành nước ứng phó thành công nhất với Covid-19 trên toàn cầu”, - Politico nhận định.
Iran được cho là chịu tác động xấu nhất về mặt kinh tế. Nước này suy thoái nhanh chóng với tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 16%. Chính phủ nước này cũng lỏng lẻo trong các biện pháp hạn chế lây nhiễm, đặc biệt là tại các sự kiện tôn giáo. Số ca nhiễm ghi nhận hiện tại không phản ánh đầy đủ thực trạng dịch bệnh ở nước này.
Hiệu quả chống dịch ở Anh và Tây Ban Nha được đánh giá là kém nhất do thiếu năng lực hạn chế sự lây lan của đại dịch. Vì Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp tại Tây Ban Nha lên tới hơn 20% còn Anh vẫn duy trì được dưới 10%.
© Ảnh : Dương Giang - TTXVNTest xác định virus SARS-CoV-2.
Cũng theo Politico, Đức có chỉ số “tương đối xấu”, nền kinh tế của quốc gia này đang có xu hướng suy giảm dù tỷ lệ tử vong đang ở mức thấp nhờ việc đẩy nhanh các kết quả xét nghiệm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang thực hiện tốt.
New Zealand và Thụy Sĩ có những cách xử lý dịch bệnh trái ngược nhau để hạn chế sự gia tăng của số ca nhiễm và tử vong. Hai bên có kết quả sức khỏe cộng đồng rất khác nhau, nhưng suy thoái kinh tế của hai quốc gia này gần như giống hệt nhau.
Một số quốc gia có chỉ số GDP tương đương nhau, nhưng tỷ lệ thất nghiệp hoàn toàn khác nhau như Mỹ, Anh và Nhật Bản.
Trong khi đó, Đài Loan gần như đã làm tất cả mọi cách để ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19, nhưng không thể thoát khỏi thực tế rằng nền kinh tế hòn đảo này cũng bị ảnh hưởng.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất 344.000 người đã tử vong vì Covid-19, trong khi số ca nhiễm lên tới hơn 5,4 triệu người trên toàn thế giới.
© Ảnh : TTXVN phátLấy mẫu dịch họng cho chuyên gia y tế đến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang lên hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân 268.
Nhiều nước châu Âu sắp nới lỏng quy định chống dịch, Nam Mỹ trở thành tâm dịch mới
Trang thống kê Worldometer cho biết số ca mắc và tử vong do Covid-19 đang giảm ở châu Âu, khiến nhiều nước bắt đầu nới phong tỏa, song mức độ vẫn chưa thống nhất. Bên cạnh tâm lý nhẹ nhõm là nỗi lo sợ rằng nếu các nước vội vàng mở cửa nền kinh tế, nguy cơ bùng phát một làn sóng lây nhiễm thứ hai là rất lớn.
Ở khu vực Nam Bán cầu, Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất và hiện đã trở thành ổ dịch Covid-19 lớn thứ 2 trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận tổng cộng 342.410 ca bệnh và 21.934 ca tử vong.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây tuyên bố Nam Mỹ hiện là “tâm chấn mới” của đại dịch Covid-19, trong đó tình hình tại Brazil là đặc biệt đáng báo động.
Tại Đông Nam Á, Singapore vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực với 31.068 ca nhiễm, trong đó 23 người chết. Indonesia xếp thứ hai với 21.745 ca nhiễm và 1.351 ca tử vong.
Những con số thống kê mới cho thấy số lượng bệnh nhân Covid-19 ghi nhận trên toàn cầu đã tăng gấp đôi chỉ trong 1 tháng, trong đó hơn 250.000 ca mới được ghi nhận chỉ trong 3 ngày qua.
Nguồn: SPUTNIK Tiếng Việt