Tàu HD 8 là công cụ đắc lực mà Trung Quốc sử dụng để phá hoại hoạt động thăm dò dầu khí của các nước trên Biển Đông. Ảnh: MarineTraffic
Việc Malaysia tăng cường thăm dò các lô dầu khí ngoài khơi đã biến thành một cuộc đối đầu giữa nhiều quốc gia, liên quan đến tàu chiến Mỹ và Trung Quốc, làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp khi căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gia tăng, Bloomberg cho biết.
Nguồn gốc sự việc bắt đầu vào tháng 12/2019, khi công ty năng lượng khổng lồ của Malaysia, Petronas, ký hợp đồng để thăm dò 2 lô ở Biển Đông trong thềm lục địa kéo dài của Malaysia. Trung Quốc ngay lập tức điều động tàu theo dõi.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn vào ngày 16/4, với sự xuất hiện của nhóm tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 (HD 8). Trong tuần này, Mỹ đã điều động ít nhất 2 tàu chiến trong phạm vi 50 hải lý từ tàu khảo sát của Malaysia, theo các nhà phân tích quốc phòng giấu tên.
Hôm 23/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Trung Quốc đang lợi dụng lúc các nước trên thế giới tập trung đối phó đại dịch Covid-19 để tiến hành các hoạt động khiêu khích trên Biển Đông.
Trong tuyên bố được đưa ra cùng ngày, Ngoại trưởng Pompeo, trong cuộc gọi video tới 10 bộ trưởng ngoại giao các nước Đông Nam Á, nói Trung Quốc đã triển khai một đội tàu khảo sát với mục đích duy nhất là đe dọa các bên khác tham gia thăm dò dầu khí ngoài khơi.
"Mỹ kịch liệt phản đối việc bắt nạt của Trung Quốc và chúng tôi hy vọng các quốc gia khác sẽ yêu cầu họ giải thích điều này", Ngoại trưởng Pompeo nói.
Tăng nguy cơ đụng độ
Mỹ không phải là bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng có trách nhiệm đảm bảo tự do hàng hải liên quan đến việc thách thức mọi yêu sách lãnh thổ không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Khi Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn trong việc thực thi các yêu sách chủ quyền phi lý của họ, điều đó làm tăng nguy cơ đối đầu tiềm tàng với Mỹ và có thể nhanh chóng leo thang.
Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ hôm 21/4, xác nhận 3 tàu chiến gồm, tàu đổ bộ tấn công USS America (LHA-6), tuần dương hạm USS Bunker Hill và tàu khu trục mang tên lửa điều khiển USS Barry đang hoạt động trên Biển Đông.
Một tàu hộ vệ tên lửa lớp Anzac của Hải quân Hoàng gia Australia gia nhập cùng nhóm tàu chiến của Hải quân Mỹ từ ngày 18/4.
"Nguy cơ của một sự cố mới đang gia tăng, vì căng thẳng ở những nơi khác trong mối quan hệ có thể gây ra đụng độ trên mặt đất, hay nói đúng hơn là trên mặt nước", Eurasia Group, công ty tư vấn rủi ro có trụ sở tại New York cho biết trong một phân tích hôm 23/4.
"Sự thù địch ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho việc ngăn chặn một vụ va chạm vô tình trở thành một cuộc khủng hoảng toàn diện", Eurasia Group cho biết thêm.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là đường chín đoạn. Với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng cho phép Bắc Kinh đầu tư đóng mới những con tàu lớn hơn có thể hoạt động rất xa bờ biển của họ.
Người ta chưa rõ bao nhiêu dầu có thể khai thác trong khu vực mà Malaysia dự định thăm dò.
Nhưng nếu Trung Quốc ngăn chặn tất cả hoạt động thăm dò trong tương lai bên trong đường chín đoạn, công ty của Malaysia sẽ bị cướp mất cơ hội thăm dò trong nước, vào thời điểm mà họ đang cố gắng tăng chi tiêu tại nhà trong bối cảnh suy thoái kinh tế.
Ép các nước từ bỏ UNCLOS
Collin Koh Swee Lean, chuyên gia nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, cho biết đây là thách thức lớn và công khai nhất đối với lợi ích năng lượng trên Biển Đông của Malaysia.
Malaysia đã tìm cách giảm bớt căng thẳng, hôm 23/4, Bộ trưởng Ngoại giao Hishammuddin Hussein kêu gọi các bên cùng hợp tác để duy trì hòa bình.
"Chúng ta phải tránh những sự cố ngoài ý muốn trong vùng biển này. Trong khi luật pháp quốc tế đảm bảo quyền tự do hàng hải, sự hiện diện của tàu chiến ở Biển Đông có khả năng làm gia tăng căng thẳng, từ đó có thể dẫn đến tính toán sai lầm, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực", Ngoại trưởng Hussein nói.
Nhóm tàu chiến của Hải quân Mỹ và Australia trên Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần này vẫn lập luận "các tàu khảo sát của họ tiến hành các hoạt động bình thường trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc và gọi tình hình cơ bản ổn định".
Trong khi đó, theo Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á có trụ sở tại Washington, cho biết ít nhất 6 tàu hải cảnh có vũ trang và một số tàu dân quân đã tham gia hoạt động trong khu vực tranh chấp.
Ông Poling cho biết thêm năm ngoái Trung Quốc đã có những hành động tương tự chống lại Petronas và Royal Dutch Shell PLC ở vùng biển Malaysia, khi họ tiến hành 2 cuộc khảo sát thềm lục địa.
"Petronas đã đầu tư rất nhiều thời gian và chi phí vào việc thăm dò dầu khí ở vùng biển xa xôi này. Tôi không biết liệu họ có khả năng thương mại hóa hay không, nhưng tôi biết rằng không có cơ hội nào cho Petronas có thể sản xuất dầu mỏ trong môi trường hiện tại", ông Poling nói trong một email.
Tàu thăm dò West Capella do Petronas điều hành đang khảo sát trên Biển Đông. Ảnh: Marine Traffic.
Petronas không lập tức trả lời yêu cầu bình luận. Các sự cố khác đang xảy ra ở những nơi khác trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin trong tuần cáo buộc tàu chiến Trung Quốc chĩa radar điều khiển hỏa lực vào tàu tuần tra của họ trên Biển Đông.
Tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á liên quan đến những điều được quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, còn gọi là UNCLOS.
Hai bên cũng đang nghiên cứu bộ quy tắc ứng xử, nhằm giải quyết các cuộc đối đầu ở Biển Đông, nhưng việc đàm phán vẫn bế tắc sau hơn một thập kỷ.
"Trung Quốc đang thúc đẩy các nước Đông Nam Á từ bỏ quyền của họ theo UNCLOS và chia sẻ vùng đặc quyền kinh tế của họ với Trung Quốc. Nếu họ cố gắng tự mình phát triển khai thác tài nguyên như quyền của họ, Trung Quốc sẽ trừng phạt họ", Bill Hayton, tác giả cuốn sách "Đông Nam Á: Cuộc đấu tranh giành quyền lực ở châu Á", nói.
Nguồn: Trung Hiếu/ Zing.vn