Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt đang được triển khai tới Hạm đội 7 đóng tại căn cứ Yokosuka, Nhật Bản để đảm bảo tự do trên biển, xây dựng quan hệ đối tác thúc đẩy an ninh hàng hải và tiến hành một loạt hoạt động, theo trang web của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“Sau khi đi qua những vùng biển này suốt 30 năm trong sự nghiệp, thật tuyệt khi được quay lại Biển Đông, tiến hành các hoạt động thường lệ, thúc đẩy quyền tự do trên biển, trấn an các đồng minh và đối tác”, chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay số 9, cho biết.
“Với 2/3 lượng hàng hóa thương mại của thế giới đi qua khu vực rất quan trọng này, chúng tôi phải duy trì sự hiện diện của mình và tiếp tục thúc đẩy trật tự dựa trên quy tắc để các bên có thể phát triển thịnh vượng, ông Verissimo nói thêm.
“Mọi người đều được hưởng lợi từ một vùng biển tự do và rộng mở. Các hoạt động của chúng tôi thể hiện cam kết của Mỹ trong việc duy trì an ninh và ổn định của khu vực”, đại úy Eric Anduze, sĩ quan chỉ huy của USS Theodore Roosevelt, cho biết.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, đã vào Biển Đông ngày 23/1. Ảnh: AFP.
Nhóm tác chiến bao gồm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, phi đoàn Carrier Air Wing 11, tàu tuần dương USS Bunker Hill, đội tàu khu trục 23 cùng các tàu khu trục USS Russell và USS John Finn.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo kêu gọi Trung Quốc ngừng đe dọa Đài Loan sau khi 8 máy bay ném bom và 4 chiến đấu cơ của Trung Quốc đi vào phần phía tây nam vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo này.
“Mỹ quan ngại các nỗ lực của Trung Quốc nhằm đe dọa láng giềng, và cả Đài Loan. Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh ngừng gây áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan, thay vào đó, tiến hành những cuộc đối thoại có ý nghĩa với các đại diện của hòn đảo này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố trong thông cáo.
Theo: ZING.VN