Sáng nay thứ Tư ngày 25/10, chúng tôi xin tóm lược các sự kiện chính xảy ra trên thế giới trong đêm qua:
‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ được đưa vào Hiến chương ĐCSTQ
Hiến chương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hôm qua 24/10 đã thêm một nguyên tắc mới: “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho một kỷ nguyên mới”, chính thức đưa ông lên ngang hàng với Mao Trạch Đông.
Tên của Đặng Tiểu Bình cũng nằm trong bản hiến chương, nhưng chỉ sau khi ông qua đời vào năm 1997. Hai người tiền nhiệm của ông Tập là Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân không có tên trong hiến chương. Hơn nữa, sự hiện diện của ông Tập trong hiến chương cũng được sử dụng cùng một thuật ngữ trong tiếng Trung (tư tưởng) như trong “tư tưởng Mao Trạch Đông”, trong khi ông Đặng chỉ đóng góp một “lý thuyết” – một thuật ngữ thấp hơn.
Làn sóng tin tặc mới tấn công thế giới
Các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại có tên “BadRabbit” đã tấn công Nga và các quốc gia khác vào hôm qua 24/10, ảnh hưởng đến hãng tin Interfax của Nga và gây trì hoãn các chuyến bay tại sân bay Odessa ở Ukraine, Reuters đưa tin.
Theo công ty bảo mật ESET, hơn một nửa số nạn nhân ở Nga, tiếp theo là Ukraine, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản. Robert Lipovsky, nhà nghiên cứu của ESET, cho biết các cuộc tấn công đang nhắm đến các cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm các nhà dịch vụ vận tải, cho thấy đó là một chiến dịch “phối hợp tốt”.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã đưa ra cảnh báo về công cụ ransomware BadRabbit, một loại vi rút khóa máy tính và yêu cầu nạn nhân thanh toán tiền chuộc để khôi phục quyền truy cập.
Liên quân Mỹ-Hàn: ‘Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu đêm nay’
Trong một chương trình phô diễn sức mạnh và quyết tâm chống lại Bình Nhưỡng, các chỉ huy quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã gặp mặt trên Hạm đội 7 của Mỹ và hôm qua 24/10 và cảnh báo họ sẵn sàng “chiến đấu đêm nay”, Yonghap đưa tin.
Tổng tư lệnh Jeong Kyeong-doo, Chủ tịch Liên minh các Tham mưu, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ, ông Vincent Brooks, đã gặp trên tàu sân bay USS Ronald Reagan hôm qua. Tướng Jeong Kyeong-doo tuyên bố đây là một cảnh báo mạnh mẽ cho Triều Tiên, và cảnh báo “Các đồng minh sẽ tiếp tục duy trì tư thế mạnh mẽ và sẵn sàng cùng chiến đấu đêm nay thông qua hợp tác chặt chẽ”.
Các lực lượng Mỹ-Hàn tuyên bố sẵn sàng ‘chiến đấu đêm nay’. (Ảnh: Getty)
Trước đó, tin cho biết kho đạn của Không lực Mỹ ở Guam mới đây đã được bổ sung 10% tổng lượng bom đạn. Trong một thông báo, Bộ phận Các vấn đề Công cộng Phi đội 36 Mỹ cho biết, trong khoảng thời gian từ ngày 21/8 đến 30/9, tổng cộng 812.393 tài sản đạn dược trị giá 95 triệu USD đã được chuyển tới Căn cứ Không quân Andersen.
Brexit vẫn có thể không diễn ra
Việc Anh rời khỏi EU vẫn có thể không xảy ra, theo ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC). Phát biểu tại Nghị viện châu Âu hôm qua về tình hình đàm phán Brexit với Anh, ông Tusk cho biết tất cả đều tùy thuộc vào Anh để có thể có “một thỏa thuận tốt, không có thỏa thuận hay không có Brexit”.
Ông Tusk cảnh báo EU sẽ phải chịu tổn hại nếu các cuộc đàm phán kết thúc bằng thất bại. “Trên thực tế, tất cả phụ thuộc vào London để dẫn tới thỏa thuận sẽ kết thúc như thế nào: Với một thỏa thuận tốt, không có thỏa thuận hay không có Brexit, nhưng trong mỗi kịch bản chúng ta sẽ bảo vệ lợi ích chung của chúng ta bằng cách đồng lòng với nhau”. Trước đây, ông Tusk từng bày tỏ hy vọng rằng nước Anh sẽ không rời khỏi EU. Nhưng không có gợi ý nào cho thấy ông coi đây là một khả năng cao.
Quốc hội Indonesia thông qua sắc lệnh khắc nghiệt đối với các nhóm
Quốc hội Indonesia hôm qua 24/10 đã thông qua một sắc lệnh của tổng thống, cho phép các quan chức quyền hạn cấm các tổ chức bị coi là mối đe dọa cho sự thống nhất quốc gia.
Tổ chức Hizbut Tahrir ở Indonesia (Ảnh: Tempo.Co)
Nghị định được Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo ký vào tháng 7, đã được sử dụng để cấm Hizbut Tahrir, một tổ chức Hồi giáo ủng hộ một vương triều toàn cầu. Nó yêu cầu sự chấp thuận của quốc hội để trở thành luật định.
Các nhà lập pháp từ 10 đảng, trong đó có liên minh cầm quyền của Tổng thống Widodo, đã bỏ phiếu với tỷ lệ 314-131 vào thứ Ba để sửa đổi luật điều chỉnh các tổ chức quần chúng theo đúng nghị định này. Hơn 3/4 các nhà lập pháp trong cơ quan lập pháp 560 ghế đã có mặt để bỏ phiếu.
Khoảng 1.000 người từ các nhóm Hồi giáo đã phản đối bên ngoài Quốc hội.
Bangladesh, Myanmar đồng ý ngăn chặn dòng người Rohingya
Các quan chức chính phủ từ Bangladesh và Myanmar hôm thứ Ba 24/10 đã đồng ý ngăn chặn dòng tị nạn của người Hồi giáo Rohingya sang Bangladesh và cho phép người tị nạn trở về nhà.
Hai bên đã gặp nhau tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar để thảo luận về cuộc khủng hoảng đã khiến hàng trăm ngàn người Rohingya chạy trốn sang Bangladesh trong 2 tháng qua để thoát khỏi tình trạng bạo lực ở bang Rakhine của Myanmar. “Myanmar khẳng định cam kết của mình trong việc ngăn chặn kịp thời các dòng người Myanmar đến Bangladesh để phục hồi bình thường ở Rakhine nhằm cho phép các cư dân Myanmar rời khỏi Bangladesh sớm nhất có thể”, các bên nói trong một tuyên bố chung.
Nguồn: Đại Kỷ Nguyên
DKN.TV