Quyết định được công bố chính thức tại Nhà Trắng lúc 14h ngày 8/5 giờ địa phương (tức 1h sáng 9/5 giờ Hà Nội).
Theo New York Times, ông Trump đã thông báo với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Cùng lúc, Mỹ sẽ tái áp đặt lệnh trừng phạt với Iran - được tạm hoãn theo thỏa thuận 2015 - và áp đặt thêm một số biện pháp trừng phạt kinh tế mới.
AP, Reuters đều xác nhận thông tin Trump hủy bỏ thỏa thuận này với Iran.
Quyết định của ông Trump làm đảo lộn một trong những thành tựu đối ngoại quan trọng nhất của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, khiến Washington bị cô lập giữa các đồng minh và đối đầu hơn với những đối thủ trong vấn đề Iran.
Quyết định được cho là sẽ đẩy tổng thể Trung Đông vào cuộc khủng hoảng mới, làm gia tăng căng thẳng tại khu vực vốn đang chìm trong một loạt đối đầu mới trong đó có xung đột tại Syria cũng như là những đối đầu ngấm ngầm giữa Iran với Israel và các nước Arab.
Hệ lụy không lường trước được lớn nhất của quyết định này sẽ là một cuộc chiến với Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, việc mà Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng cảnh báo sẽ khiến Mỹ "hối hận". Minh họa: The Daily Beast.
Tuy nhiên, lệnh trừng phạt mới sẽ mất hàng tháng mới có hiệu lực trong lúc chính phủ Mỹ ban hành hướng dẫn cho các công ty và ngân hàng.
Điều này có thể tạo cơ hội, dù không lớn, cho các đồng minh của Washington ở châu Âu tiếp tục nỗ lực đàm phán một thỏa thuận rộng hơn với hy vọng "níu chân" ông Trump. Cả Pháp, Anh và Đức đều đang ráo riết bàn giải pháp.
Việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là sự chuyển hướng đột ngột so với chính sách ngoại giao đa phương của cựu tổng thống Barack Obama cũng như cách tiếp cận của Mỹ về thế giới trong phần lớn thế kỷ 20.
Nó cũng sẽ cho thấy sự phi logic trong chiến lược ngoại giao của Trump khi ông rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với một kẻ thù của Mỹ nhưng cùng lúc lại cố gắng đàm phán thỏa thuận khác về hạt nhân với Triều Tiên.
"Khùng điên" và "lố bịch"
Ông Trump mới tháng trước nói thỏa thuận đạt được năm 2015 với Iran là "khùng điên" và "lố bịch", nổi tiếng là nhà lãnh đạo khó đoán.
Ông Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, được biết đến với tên chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), với lý do đây là "thỏa thuận tệ hại nhất lịch sử".
Vị tổng thống thường xuyên diễn giải sai các điều khoản của thỏa thuận giúp đóng băng chương trình hạt nhân của Iran, kêu ca rằng nó không làm chấm dứt các vụ thử nghiệm tên lửa của Tehran hay những động thái về hạt nhân ở Trung Đông.
Ông nhiều lần đề cập đến chuyện các tài sản và nguồn tiền không bị đóng băng trị giá hàng tỷ USA của người Iran được trả lại cho nước này sau khi thỏa thuận được ký kết năm 2015.
Lập luận của ông Obama là viễn cảnh về vũ khí hạt nhân Iran quá nguy hiểm nên cần có một thỏa thuận chặn Tehran trước ngưỡng vũ khí.
Những người ủng hộ thỏa thuận nói nó đã kéo dài thời gian "bất hòa" mà Iran cần để phát triển bom nguyên tử, ít nhất là thêm một năm, làm vô hiệu hóa những máy ly tâm dùng để làm giàu urani song không nhổ bỏ tận gốc kho urani của Iran.
"Giờ đây những cái còng tay đó đã yên vị rồi, tôi không thấy bất cứ lợi ích nào nếu từ bỏ chúng. Chỉ có Iran hưởng lợi từ việc xóa bỏ những trói buộc đối với chương trình hạt nhân của họ", Ngoại trưởng Anh Boris Johnson viết trên New York Times hồi cuối tuần trước.
Tổng thống Trump đã lên án thỏa thuận hạt nhân Iran từ khi tranh cử. Ảnh: AP.
Tuy nhiên những người chỉ trích cho rằng thỏa thuận có những điều khoản mà cuối cùng sẽ cho phép Iran khôi phục hoạt động làm giàu uranium có thể dùng cho vũ khí.
Tổng thống Trump cam kết hủy bỏ thỏa thuận trong chiến dịch tranh cử nhưng thời gian qua vẫn nghe ý kiến của các thành viên nội các và đồng minh để tái xác nhận sự tuân thủ của Iran.
Giờ với đội ngũ chính sách đối ngoại mới, bao gồm cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo, những người được coi là diều hâu và phản đối thỏa thuận, ông Trump đã đi theo hướng cứng rắn hơn.
Việc xé bỏ JCPOA sẽ có nguy cơ làm ông Trump chia rẽ sâu sắc với lãnh đạo của các nước đồng minh Mỹ truyền thống ở châu Âu, những người đã đến Washington trong những tuần qua để tâng bốc, thuyết phục và cảnh báo Trump.
Từ bỏ mà không có kế hoạch B
Các nhà ngoại giao phương Tây hàng tháng qua đã cố gắng để ông Trump ở lại thỏa thuận hoặc đàm phán các biện pháp về tên lửa và kiềm chế những bước tiến địa chính trị của Iran.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra "củ cà rốt" với một thỏa thuận mới trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ hồi tháng trước, hy vọng xoa dịu ác cảm của Tổng thống Trump với thỏa thuận được đánh giá là thành quả đối ngoại lớn nhất của người tiền nhiệm Obama.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao nước ngoài đã nói với nhau rằng vấn đề lớn nhất với thỏa thuận này là việc ông Trump "ghét đến quả bồ hòn cũng méo" với bất cứ điều gì mà người tiền nhiệm của ông đã đạt được.
Đó là lý do tại sao vài nhà quan sát tin rằng quyết định về thỏa thuận Iran của ông Trump mang động cơ chính trị hơn là xuất phát từ những tính toán cho đất nước.
"Thỏa thuận này còn nhiều thiếu sót nhưng nó có ích", Aaron David Miller, từng là nhà đàm phán về hòa bình Trung Đông, nhận định. "Tổng thống có lợi ích chính trị khi từ bỏ mà không có kế hoạch B nào, nhưng đó không phải là lợi ích quốc gia".
Cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều đến Mỹ gần đây với hy vọng thuyết phục ông Trump không từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: AFP, Reuters.
Iran đã tuyên bố không thể tái đàm phán thỏa thuận hạt nhân, một lập trường được chia sẻ bởi Nga và Trung Quốc, hai thành viên ký kết khác.
Động thái của ông Trump cũng sẽ đặt ra lựa chọn cho Iran.
Với nền kinh tế đang chìm trong khó khăn, Tehran có thể tuyên bố sẽ gắn bó với thỏa thuận với hy vọng thu được lợi ích từ việc giao thương được mở rộng với các công ty châu Âu, và hy vọng sẽ chia rẽ Mỹ và châu Âu.
Hoặc, Tehran có có thể có động thái quyết liệt hơn hơn và bắt đầu làm giàu nhiên liệu hạt nhân trở lại - bước đi có thể buộc các nước châu Âu phải áp dụng biện pháp trừng phạt của riêng mình và có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng quốc tế sâu rộng.
Iran trả đũa thế nào nếu TT Trump xé bỏ thỏa thuận hạt nhân?
Thông qua các tổ chức do Iran hậu thuẫn, Tehran có nhiều lựa chọn gây thiệt hại cho Washington và các đồng minh nếu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Theo: DW/AFP/REUTERS/ZING