Giáo sư Bradley A. Thayer đã đưa ra giả thuyết về những gì Trung Quốc có thể thực thi vào năm 2049 khi nước này lập quốc được 100 năm.

Ông cho rằng Mỹ cần phải biết Bắc Kinh muốn gì, cần gì và có thể thực thi những gì để thay đổi trật tự của nền chính trị quốc tế và làm suy yếu các giá trị của phương Tây, TheDiplomat cho biết.

42 1 The Gioi Se Ra Sao Neu Trung Quoc Co Ba Quyen Vao Nam 2049

Mỹ cần tìm hiểu tầm nhìn bá quyền của Trung Quốc cho tới năm 2049.

Mọi người đều muốn biết Trung Quốc sẽ thay đổi thế nào vào năm 2049 khi nước này tròn 100 tuổi. Chắc chắn, khi Trung Quốc trở nên mạnh mẽ và có ảnh hưởng nhiều hơn với các mối quan hệ quốc tế, Bắc Kinh sẽ thay đổi cơ bản hệ thống quốc tế được tạo ra bởi Mỹ và Chiến Tranh Lạnh. Câu hỏi chủ chốt là cho đến năm 2049, nền chính trị thế giới mà Trung Quốc muốn tạo ra sẽ thế nào sau 1 thế kỷ đất nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập.

Liệu Trung Quốc có giữ lại trật tự tự do hiện tại hay sẽ thúc đẩy để xây dựng một cột trụ khác dựa trên hoài bão, tham vọng và văn hóa của đất nước này? Lịch sử hàng thiên niên kỷ của Trung Quốc cho thấy mục đích sau sẽ chiếm ưu thế. Bài viết này nêu lên mô hình thống trị toàn cầu của Trung Quốc cũng như những hệ quả về chính trị và kinh tế mà mô hình này tạo ra.

Hiểu được thế giới mà Trung Quốc muốn tạo ra rất quan trọng với 3 lý do:

Đầu tiên, đây là điều then chốt với Mỹ để hiểu được toàn bộ phạm vi về tham vọng chiến lược và hướng đi của Trung Quốc.

Thứ 2, với việc Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng và quyền lực, để lĩnh hội điều Trung Quốc có thể sẽ giữ lại trật tự thế giới hiện tại hay sẽ thay đổi những gì mang tính thiết yếu trong đó - Thì các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần hiểu thế giới Trung Quốc muốn xây dựng năm 2049 sẽ khác biệt về cơ bản. Trật tự kinh tế sẽ là sự pha trộn của chủ nghĩa siêu tư bản (hyper-capitalism) và chủ nghĩa trọng thương mới. Trật tự chính trị sẽ là trật tự chuyên chế.

Thứ 3, hiểu được những tham vọng và các mục tiêu chiến lược lớn của Trung Quốc sẽ cho phép Mỹ phát triển các chính sách và đưa ra các đối sách với chúng. Việc Mỹ có thể duy trì vị thế là một lực lượng vượt trội với các xã hội tự do và rộng mở trước sự thách thức đang trỗi dậy từ phía Trung Quốc cần được xác định là một yếu tố trong chính trị quốc tế thế kỷ 21 và là lợi ích trực tiếp trong chính sách an ninh quốc gia của Mỹ.

Thế giới năm 2049 sẽ được xác định bằng cách nhận thức rõ về quyền lực Trung Quốc. Trung Quốc sẽ là nền kinh tế và chính trị mạnh nhất thế giới, bao gồm cả các đồng minh và sự hiện diện toàn cầu. Sức mạnh giúp Trung Quốc trở thành đất nước chi phối chính trị quốc tế sẽ là vấn đề trung tâm trong cách Trung Quốc sử dụng quyền lực của mình. Liệu Trung Quốc có tham gia một trật tự thế giới tự do hay sẽ thay đổi các nguyên tắc, luật lệ, tiêu chuẩn và thể chế của phương Tây?

Tầm nhìn chiến lược lớn của Trung Quốc là địa vị đứng đầu - Trung Quốc sẽ là một lực lượng chi phối chính trị thế giới. Tầm nhìn Trung Quốc được xác định bởi câu nói của ông Tập Cận Bình "một thế giới - một giấc mơ", một mô hình mới của "thiên hạ". Quan điểm này là nền móng cho tư tưởng thống trị của Trung Quốc - trật tự mà thế giới phải đi theo.

Quan điểm về "thiên hạ" là căn nguyên thế giới quan của Trung Quốc với mối liên quan tới việc Trung Quốc cần phải được cai trị thế nào, vị thế trong nền chính trị quốc tế và vai trò lệ thuộc của các nước khác. Nó ngụ ý đầu tiên là về một xã hội của người Hán vốn đã chuyên chế. Tiếp theo, nó cần một nhà cầm quyền đơn nhất, hùng mạnh, một vị "thiên tử" sẽ cai trị toàn bộ thế giới văn minh - thế giới này cần được thống nhất dưới quyền kiểm soát của vị "thiên tử" này để tránh sự hỗn loạn, mất trật tự .

Những giá trị và tư tưởng cơ bản đó đã hình thành nên văn hóa chính trị của Trung Quốc hiện nay. Điều Trung Quốc muốn năm 2049 cũng ăn khớp với những gì Trung Quốc muốn trong quá khứ hay hiện tại. Có tính liên tục trong thế giới quan của Trung Quốc, hệ tư tưởng đế quốc, bao gồm cả việc tại sao những lãnh đạo chính trị của nước này tin tưởng sâu sắc sự thống trị của đất nước họ sẽ là kết quả tốt nhất cho người dân và tất cả các nước trong nền chính trị quốc tế.

Trong diễn tiến lịch sử của mình, Trung Quốc là một quyền lực thu nhỏ và giữ vị trí thống trị trong vùng Đông Á. Quan hệ với các nước láng giềng dựa trên hệ thống triều cống có thứ bậc, cung cấp cho Trung Quốc quyền lực, ảnh hưởng và thanh thế. Vì thế, chúng ta có thể thấy tại sao một Trung Quốc đang trỗi dậy với một lãnh đạo táo bạo muốn lấy lại vị thế của mình theo một hình thức hiện đại.

Các mục tiêu kinh tế của Trung Quốc

Trong địa hạt kinh tế, Trung Quốc đang tích cực tìm cách thay đổi các nguyên tắc tự do cơ bản trong Đồng thuận Washington bằng mô hình do mình tự phát triển. Sự pha trộn kỳ lạ giữa chủ nghĩa "siêu tư bản" với những chính sách trọng thương mới, "Mô hình Trung Quốc" cung cấp trợ cấp phát triển cho các nước đang phát triển mà không có ràng buộc nào. Mô hình này thắng thế với "giá trị trung lập" của nó, vì nó không cần các chính phủ phải thực thi các yếu tố dân chủ hay nâng cao nhân quyền. 

Việc áp dụng mô hình này của Bắc Kinh đi theo một tiến trình hai giai đoạn có cả các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Về mặt ngắn hạn, Trung Quốc sẽ hoạt động trong chế độ thương mại quốc tế hiện tại, ủng hộ các quy tắc và tiếp tục hành động trong hệ thống này để đạt được các mục tiêu về chính sách ngoại giao - chủ yếu phụ thuộc vào việc duy trì phát triển kinh tế và thương mại.

Kể từ khi tái cơ cấu kinh tế vào thời ông Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã chấp nhận rất nhiều quy tắc và luật lệ của trật tự thế giới tự do, tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, gia nhập nhiều các tổ chức quốc tế chủ chốt như Liên Hợp Quốc. Bước đầu đi theo chủ nghĩa đa phương là một sự kết hợp giữa sự lựa chọn và tính thiết yếu vì sự phát triển kinh tế của Trung Quốc phải dựa vào việc hợp nhất với thế giới, mở rộng ảnh hưởng chính trị và phát triển quyền lực mềm.

Ở thời điểm hiện tại, Bắc Kinh chưa thể "lật nhào" hoàn toàn luật lệ và thể chế của phương Tây vì chưa có khả năng cũng như động cơ để thay đổi trật tự quốc tế hiện nay. Vì thế, trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động theo thể chế đa phương do phương Tây dẫn đầu và vẫn hỗ trợ cho trật tự đã được thiết lập. Chiến lược ngắn hạn của Trung Quốc là duy trì hệ thống giúp cho kinh tế phát triển và giảm thiểu sự cản trở tự thân do các hành động của mình cho tới khi việc thay thế hoàn toàn có thể vận hành.

Bằng cách không trực tiếp thách thức trật tự kinh tế toàn cầu, Bắc Kinh có thể duy trì kế sách "trỗi dậy hòa bình" và thu hút được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều nhà hoạch định chính sách cũng như học giả phương Tây tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ thay đổi một hệ thống đã giúp mình thành công.

Trung Quốc sẽ tiếp tục đi theo chủ nghĩa đa phương và trở nên liên quan nhiều hơn tới các thể chế quốc tế như WTO. Tuy nhiên, trong khi thực hiện các mục tiêu trên, Bắc Kinh đồng thời phát triển những thể chế kinh tế do Trung Quốc dẫn đầu như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và "vành đai - con đường", mà giới tinh hoa chính trị Trung Quốc tranh luận rằng sẽ duy trì và làm sâu sắc hơn các nguyên tắc và giá trị tự do.

Về mặt dài hạn, khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tròn trăm tuổi, trở thành một quyền lực mạnh mẽ và ảnh hưởng của Mỹ bị suy giảm, Bắc Kinh sẽ thúc đẩy sửa đổi và đẩy mạnh chủ nghĩa "siêu tư bản", giảm thiểu các giá trị cơ bản về dân chủ tự do trong các thể chế quốc tế phương Tây dẫn đầu. Với việc nhiều đất nước tham gia những thể chế do Trung Quốc lãnh đạo, Bắc Kinh sẽ có khả năng để sử dụng quyền lực kinh tế của mình như một đòn bẩy để thực hiện chính sách "cây gậy - củ cà rốt" để các chính phủ các nước phương Tây và những nước khác phải ủng hộ và đi theo sự tái cơ cấu này.

Dù Trung Quốc đã nhanh chóng rộng mở với thương mại quốc tế, Bắc Kinh sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi một mô hình bảo hộ và các chính sách trọng thương mới. Theo đó, việc Trung Quốc tham gia nhiều thể chế đa phương hoàn toàn là chiến lược. Bắc Kinh tìm cách ngăn chặn nhận thức về mối đe dọa và thiết lập một mạng lưới quan hệ về kinh tế để có thể sử dụng như một đòn bẩy và tiềm lực để thúc đẩy chương trình chính sách ngoại giao riêng. Vì Trung Quốc đang trỗi dậy, việc Bắc Kinh kêu gọi cho chủ nghĩa "siêu tư bản" sẽ bị che mờ bởi khuynh hướng trọng thương và văn hóa bài ngoại.

Áp dụng chiến thuật "trọng thương mới" khi thích hợp, trong rất nhiều trường hợp Bắc Kinh đã sử dụng quyền lực kinh tế để áp bức và trừng phạt các nước thách thức uy quyền, lợi ích an ninh và chính sách ngoại giao của mình một cách gián tiếp hoặc trực tiếp. Ví dụ như để đáp trả lại việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, Bắc Kinh đã khuyến khích người dân của mình tảy chay những công ty Hàn Quốc như Huyndai, AmorePacific và Lotte, thi hành lệnh cấm các nhóm du lịch thăm đất nước này - Tất cả những biện pháp ảnh hưởng quan trọng tới nền kinh tế Hàn Quốc và buộc Seoul phải đàm phán với Bắc Kinh.

Tới năm 2049, những thể chế phương Tây dẫn đầu vẫn sẽ tồn tại, nhưng những yếu tố tự do cơ bản sẽ bị giảm đi bởi những sửa đổi cần thiết theo nhu cầu của Bắc Kinh. Khi quyền lực kinh tế Trung Quốc mạnh hơn và nhiều đất nước phát triển và đang phát triển trên thế giới trở nên phụ thuộc vào thương mại và đầu tư Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ sử dụng nghệ thuật quản lý kinh tế nhà nước để gây sức ép với các nước phải giảm tầm quan trọng hay từ bỏ các giá trị dân chủ và những chính sách tự do.

Ở thời điểm đó, những thể chế do Trung Quốc tạo ra và dẫn đầu sẽ làm suy yếu các thể chế truyền thống và về mặt dài hạn Trung Quốc sẽ dễ dàng thúc đẩy sự thống trị thông qua những thể chế của mình.

Những mục tiêu về chính trị

Trong lĩnh vực chính trị, Trung Quốc đang tìm cách để chủ nghĩa chuyên chế chiến thắng trong nền chính trị quốc tế. Trong quá khứ, quan điểm của Trung Quốc về quan hệ quốc tế dựa trên thứ bậc và địa vị. Ngày nay, nhận thức về thứ bậc này vẫn tồn tại. Chủ nghĩa thống trị của Trung Quốc định hình quan hệ của Bắc Kinh với những nước được coi là yếu hơn, dẫn tới sự độc đoán của Trung Quốc trên Biển Đông hay cách thức kinh doanh tại các nước châu Phi và Mỹ La-tinh.

Hành vi như vậy cũng cho thấy Trung Quốc coi mình là bá chủ tại châu Á. Kết quả là Trung Quốc nhạy cảm với ảnh hưởng nước ngoài trong khu vực và nhanh chóng đáp trả một cách hung hăng trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Tư tưởng đế quốc của Trung Quốc có thể dễ dàng chứng minh thông qua những tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về "giấc mơ Trung Hoa" đặc biệt được ông nhấn mạnh trong "Sự phục hưng vĩ đại của đất nước Trung Hoa" và sự phát triển "chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc".

Thực tế, việc ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực trong Đảng Cộng sản Trung Quốc qua Đại hội 19 diễn ra vào tháng 10.2017, cùng việc các quan chức và học giả so sánh "Tư tưởng Tập Cận Bình" với tư tưởng của ông Đặng Tiểu Bình và ông Mao Trạch Đông khiến cho nhiều nhà quan sát Trung Quốc lo lắng vì ông Tập Cận Bình nắm quá nhiều quyền lực.

Trong khi chủ đề "phục hưng quốc gia" từng được sử dụng nhiều cách khác nhau bởi những lãnh đạo Trung Quốc kể từ thời Tôn Trung Sơn, ông Tập Cận Bình là lãnh đạo đầu tiên đưa câu chuyện về giấc mơ Trung Hoa lên tầm thế giới. Nói chung, một nhận thức chung tại Trung Quốc là việc phục hưng này chỉ đơn giản là lấy lại địa vị và quyền lực quốc tế mà Trung Quốc đã mất đi - mà không phải là để khôi phục lại trật tự thích hợp của nền chính trị quốc tế.

Nếu giấc mơ của ông Tập Cận Bình được thực thi, chúng ta có thể mường tượng về một thế giới ở giữa thế kỷ 21 với các chính phủ dân chủ vẫn tồn tại ở phương Tây nhưng mô hình chính trị của Bắc Kinh thắng thế trong hệ thống quốc tế. Như trong Chiến Tranh Lạnh, vấn đề là tài nguyên, kinh tế và quyền lực quân sự nhưng cũng không thể tránh khỏi xung đột về hệ tư tưởng. Rõ ràng, diễn tiến sẽ đặt ra và kết quả sẽ trả lời câu hỏi không rõ ràng về hệ tư tưởng: "Liệu chủ nghĩa quân bình sẽ là quan niệm thống trị trong nền chính trị quốc tế hay nó sẽ hướng quyền lãnh đạo lại về chủ nghĩa chuyên chế?"

Dù sao, với sự bành trướng về quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc, chính trị chuyên chế sẽ trở thành tiêu chuẩn mà không có sự thách thức nghiêm trọng nào từ phía phương Tây. Có khả năng Trung Quốc sẽ thúc đẩy làn sóng mới chuyên chế để làm tăng thêm tính chính thống của nó. Với quyền lực của mình, Bắc Kinh cũng sẽ đưa ra những lý lẽ quen thuộc về "Sự kết thúc Lịch sử" mà phương Tây đưa ra vào đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ.

Ngược lại với các yếu tố cơ bản về dân chủ tự do và thị trường tự do trong Đồng thuận Washington, mô hình chính trị của Bắc Kinh đã chào mời thế giới phát triển một mô hình đầu tư với chế độ trung lập dựa trên việc "không can thiệp" vào công việc nội bộ và lời hứa về những khoản vay "không ràng buộc" và các hình thức hỗ trợ tài chính khác.

Mô hình kinh doanh này là một phần trong "sự tấn công mê hoặc" của Trung Quốc, có vẻ như đang phát triển phổ biến hơn khi rất nhiều nước trên thế giới thấy cách thức Trung Quốc làm ăn là một lựa chọn tốt hơn so với những chương trình có cấu trúc dàn xếp của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế IMF hay bị thúc đẩy phải tái cơ cấu dân chủ nếu muốn nhận được sự trợ giúp của phương Tây.

Trong Chiến Tranh Lạnh, Mỹ đóng vai trò lãnh đạo các tinh hoa chính trị thế giới đi theo ý tưởng hay giá trị nào đó. Ngày nay, Trung Quốc đưa ra những giá trị chuyên chế lôi cuốn với các chính phủ cầm quyền đang chịu sự đe dọa bởi các giá trị Mỹ như tự do ngôn luận, dân chủ, minh bạch và trách nhiệm giải trình...

Tới năm 2049, Trung Quốc sẽ tự tin và có thể sử dụng ảnh hưởng thống trị hiệu quả hơn về kinh tế, chính trị và quân sự. Bắc Kinh sẽ không còn phải hợp nhất hay đàm phán để mọi người chấp nhận Trật tự Trung Quốc.

Thực tế, chúng ta đã chứng kiến giai đoạn đầu của điều này trong nền chính trị quốc tế dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc.

Nguồn:  viettimes.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC