Hai thập kỷ qua, Thụy Sĩ đã tham gia vào 20 vụ hòa giải ở 15 nước và khu vực, và đạt được một số hiệp ước hòa bình chấm dứt nội chiến.
Hai thập kỷ qua, Thụy Sĩ đã tham gia vào 20 vụ hòa giải ở 15 nước và khu vực, và đạt được một số hiệp ước hòa bình chấm dứt nội chiến.
Hy vọng thành công không nhiều khi cuộc khủng hoảng Triều Tiên quá nghiêm trọng.
Thụy Sĩ ngày 4-9 cho biết sẵn sàng làm trung gian hòa giải, giúp giải quyết khủng hoảng Triều Tiên. Cùng với đề xuất này, Tổng thống Thụy Sĩ Doris Leuthard nói nước này từng kinh qua nhiều rất nhiều cuộc hòa giải, mang lại hòa bình cho nhiều nơi trên thế giới.
Thụy Sĩ được biết đến như một đất nước trung lập – chưa từng tham gia một trận chiến quân sự nào trong 500 năm qua. Thụy Sĩ cũng có truyền thống nổi bật làm trung gian tìm kiếm các thỏa thuận hòa bình. Có thể nói, tạo điều kiện thuận lợi cho hòa giải và làm trung gian hòa giải là một phần quan trọng của chính sách đối ngoại Thụy Sĩ.
Rất nhiều nước đã tìm từng tìm tới Thụy Sĩ để nhờ làm trung gian hòa giải nội chiến, một số nước khác lại nhờ hòa giải về thương mại, ví dụ nổi bật nhất là xung đột giữa Nga và Grudia về việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Hai thập kỷ qua, Thụy Sĩ đã tham gia vào 20 vụ hòa giải ở 15 nước và khu vực, và đạt được một số hiệp ước hòa bình chấm dứt nội chiến.
. Burundi:
Quá trình hòa giải kéo dài cả 11 năm, từ năm 1997-2008, chấm dứt 12 năm nội chiến sắc tộc.
. Colombia:
Thụy Sĩ làm trung gian hòa giải giữa chính phủ Colombia và nhóm phiến quân FARC. Hiệp ước hòa bình giữa hai bên vừa được ký năm ngoái, chấm dứt 50 năm xung đột. FARC đã thành lập đảng chính trị để tham gia vào chính phủ.
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (trái) và lãnh đạo FARC Timoleon Jimenez bắt tay trong buổi ký thứ hai thỏa thuận hòa bình lịch sử, tháng 4-2017. Ảnh: CNN
. Indonesia:
Thụy Sĩ giúp làm trung gian hòa giải giữa chính phủ Indonesia và nhóm vũ trang đòi ly khai Phong trào Tự do Aceh. Sau khi hiệp ước hòa bình được ký kết, nhóm vũ trang này giải tán. Các nhà trung gian hòa giải Thụy Sĩ cũng tham gia vào quá trình thực hiện hiệp ước hòa bình trong thời gian 2005-2007.
. Nepal:
Làm trung gian hòa giải giữa chính phủ Nepal và nhóm nổi dậy Maoist và đạt được thỏa thuận hòa bình năm 2006, chấm dứt nội chiến.
. Sudan:
Đại sứ Thụy Sĩ tại Sudan dẫn đầu nhóm các nhà trung gian hòa giải đã giúp đạt được thỏa thuận ngừng bắn Nuba năm 2002 – một bước sống còn trên con đường dài tìm kiếm hòa bình giữa nam và bắc Sudan.
Nỗ lực hòa giải của Thụy Sĩ dù đem đến nhiều thành công nhưng cũng không tránh khỏi một số thất bại, không thể tìm được hòa bình lâu dài. Nhiều cuộc xung đột dù Thụy Sĩ tham gia hòa giải đến nay vẫn chưa kết thúc.
. Đảo Cyprus:
Năm 2004 Thụy Sĩ bắt tay làm môi giới cho các cuộc đối thoại ở Bürgenstock nhằm hợp nhất đảo Cyprus. Tuy nhiên kế hoạch sau đó bị các bên bác bỏ và tiến trình tìm kiếm hòa bình vẫn chưa thành công.
. Israel-Palestine:
Các nhà trung gian hòa giải Thụy Sĩ tham gia vào tiến trình tìm kiếm hòa bình Trung Đông từ năm 2003, nhưng tình hình vẫn bế tắc, các cuộc đối thoại đã bị ngưng.
Xung đột Israel-Palestine vẫn tiếp diễn dù Thụy Sĩ đã rất nỗ lực hòa giải. Ảnh: OLTMEDIA
. Sri Lanka:
Thụy Sĩ làm trung gian đối thoại giữa chính phủ Sri Lanka và nhóm Những con hổ giải phóng vùng Tamil (LTTE) năm 2006, nhưng thất bại. Đến năm 2009, chính phủ Sri Lanka đánh bại nhóm LTTE, tuy nhiên xung đột sắc tộc và lạm dụng nhân quyền vẫn còn tồn tại.
. Sudan:
Thụy Sĩ tham gia thương lượng tìm kiếm hòa bình cho xung đột Darfur nhưng không thành công. Chỉ có một trong nhiều phong trào nổi dậy chịu ký thỏa thuận hòa bình với chính phủ Sudan, cho nên giao tranh vẫn tiếp tục.
. Uganda:
Quá trình hòa giải của Thụy Sĩ giữa chính phủ Uganda và lực lượng chống đối LRA không thành công dù rất nỗ lực. Thụy Sĩ là bên thiết kế toàn bộ quá trình thương lượng, kể cả soạn thảo thỏa thuận ngừng bắn. Năm 2006, hai bên chịu ký thỏa thuận ngừng bắn này. Nhưng đến năm 2008, lãnh đạo LRA Joseph Kony lại từ chối ký thỏa thuận hòa bình.
. Tây Sahara:
Thụy Sĩ tham gia vào tiến trình tìm kiếm hòa bình cho Tây Sahara, sáng kiến do LHQ bắt đầu năm 2010. Tiến trình này gặp rất nhiều khó khăn, cản trở và hiện vẫn chưa kết thúc.
Vậy sẽ thế nào nếu Thụy Sĩ tham gia làm trung gian hòa giải khủng hoảng Triều Tiên? Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Leuthard có nói nếu được chấp nhận Thụy Sĩ sẽ bắt tay tìm kiếm địa điểm mà các bên có thể đồng ý gặp nhau đối thoại. Và theo trang tin Quartz (Mỹ), đây chắc chắn là khó khăn lớn nhất. Mà dù có vượt qua khó khăn này thì Thụy Sĩ cũng không có nhiều hy vọng thành công khi cuộc khủng hoảng này quá nghiêm trọng.
Ngày 4-9 Tổng thống Leuthard cũng có nói: “Twitter không phải là một công cụ thích hợp”.
Và theo Quartz, thành công lớn nhất của Thụy Sĩ trong vụ này có chăng là ngăn chặn được Tổng thống Mỹ Donald Trump thôi dùng Twitter để phát ngôn chính trị, chính sách mà thôi.
Nguồn: THIÊN ÂN - Pháp Luật thành phố HCM