Tổng thống Mỹ Donald Trump hé lộ một phần nghị sự cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Trong một phát biểu mới nhất ngày 4/5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố vấn đề rút binh sỹ Mỹ khỏi Hàn Quốc sẽ không có trong nội dung cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Theo hãng tin Mỹ AP, trao đổi với báo giới về vấn đề này, Tổng thống Trump khẳng định: "Vấn đề (rút binh sỹ) sẽ không được đặt lên bàn (thảo luận)".
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuyên bố trên được cho là ám chỉ tới những thông tin trên tờ New York Times số ra ngày 3/5 nói rằng Nhà Trắng đang cân nhắc các phương án giảm lực lượng đồn trú của Mỹ tại Hàn Quốc.
Theo bài báo, việc giảm số lượng binh sỹ không phải là một "sự mặc cả" cho cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên. Tuy nhiên, với một hiệp định hòa bình giữa hai miền Triều Tiên, sự hiện diện của quá nhiều binh sỹ Mỹ tại Bán đảo Triều Tiên là không cần thiết.
Thanh sát viên quốc tế trở về Hà Lan sau khi điều tra tại Douma. Nhóm chuyên gia của tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) tối 3/5 trở về Hà Lan sau khi thu thập mẫu vật tại 2 địa điểm ở Douma, nơi chính quyền Syria bị cáo buộc tấn công hóa học khiến hàng chục người thiệt mạng đầu tháng 4. Các mẫu này sẽ được phân tích tại phòng thí nghiệm của tổ chức.
OPCW có trách nhiệm xác định liệu vũ khí hóa học có thật sự được sử dụng ở Douma hay không và nếu có thì đó là loại gì. Họ không nhất thiết phải đưa ra kết luận bên nào đã sử dụng chất đó. Syria đã nhiều lần bác bỏ liên quan đến vụ tấn công hóa học.
Trung Quốc bác tin chiếu laser vào máy bay Mỹ. Sau khi Lầu Năm Góc cáo buộc các công dân Trung Quốc đã nhiều lần chiếu tia laser vào các phi công Mỹ hoạt động tại căn cứ quân sự Trại Lemonnier ở Djibouti khiến một số phi công bị thương, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 4/5 cho rằng thông tin này "hoàn toàn mâu thuẫn với sự thật".
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng họ đã bác bỏ cáo buộc không đúng sự thật từ phía Mỹ thông qua các kênh chính thức. Trung Quốc không nói rõ lý do các cáo buộc này là sai sự thật hay trực tiếp bác bỏ rằng họ đã triển khai thiết bị laser ở Djibouti, nơi Trung Quốc năm ngoái mở một căn cứ quân sự mới.
“Nếu bị đầu độc bằng Novichok, cựu điệp viên Skripal đã chết từ lâu”. Ngày 4/5, vụ trưởng vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí thuộc bộ Ngoại giao Nga Vladimir Ermakov tuyên bố, nếu quả thực vụ đầu độc ở thành phố Salisbury, miền Nam nước Anh, có sử dụng chất mà phương Tây gọi là "Novichok" thì cựu điệp viên Sergei Skripal đã không còn sống nữa.
Cảnh sát Anh phong tỏa bên ngoài khu dân cư, nơi được cho là có liên quan đến vụ cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc ở Salisbury ngày 4/3.
Phát biểu với báo giới ông Ermakov nhấn mạnh: "Cái mà phương Tây gọi là Novichok, quả thực đó là loại vũ khí gây tê liệt thần kinh rất mạnh. Nếu chất này được sử dụng trong vụ đầu độc ở Salisbury, thì ông Skripal đã chết từ lâu. Tuy nhiên, chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra ở đó (Salisbury)”.
Triều Tiên chính thức hợp nhất múi giờ với Hàn Quốc. Ngày 5/5, Triều Tiên đã chính thức hợp nhất với múi giờ của Hàn Quốc, theo đó, đẩy nhanh các đồng hồ của mình lên thêm 30 phút.
2 chiếc đồng hồ chỉ giờ khác nhau của Seoul (trái) và Bình Nhưỡng (phải) tại phòng họp Thượng đỉnh của Hàn Quốc-Triều Tiên.
Theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA, việc điều chỉnh lại múi giờ này là một trong những biện pháp thực tế đầu tiên được đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử lần thứ 3 giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, diễn ra cách đây 1 tuần nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên.
Hai bên đã ra tuyên bố Bàn Môn Điếm, với cam kết chắc chắn sẽ sớm chấm dứt di sản đối đầu và chia rẽ lâu dài từ thời Chiến tranh Lạnh, hướng tới kỷ nguyên mới về hòa giải dân tộc, hòa bình và thịnh vượng, thúc đẩy quan hệ liên Triều trở nên tích cực.
Từ năm 2015, Triều Tiên bất ngờ thay đổi giờ chậm hơn Hàn Quốc 30 phút, khiến hai nước dù nằm trên cùng một bán đảo nhưng lại có múi giờ khác nhau.
Nguồn: Đ.V (Tổng hợp)
DKN.TV