Nông nghiệp đã trở thành vũ khí mới trong cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế thế giới.

Mỹ mất khách hàng lớn

Khi Trung Quốc chính thức cắt đứt việc mua sản phẩm nông sản Mỹ, nông dân Mỹ đã mất đi một trong những khách hàng "sộp" nhất. Đây là một sự tổn thương lớn cho nông nghiệp Mỹ giữa bối cảnh lượng tiêu thụ nông sản sa sút và vật giá leo thang. 

"Sản lượng bán ra trong năm nay đã thấp sẵn bởi vì các cấm vận. Nếu Mỹ tiếp tục nói 'không' với tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, điều đó tất nhiên sẽ dẫn tới những ảnh hưởng khôn lường tới thị trường và giá cả. Loại bỏ Trung Quốc hoàn toàn khỏi thị trường là một quyết định cần cân nhắc nghiêm túc," Pat Westhoff, giám đốc của Viện Nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp và Thực phẩm tại Đại học Missouri, nhận định.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Dân số Mỹ, Trung Quốc đã mua 5,9 tỉ USD giá trị hàng nông sản Mỹ xuất khẩu trong năm 2018. Trung Quốc là nước mua đậu nành nhiều nhất thế giới và đã mua khoảng 60% tổng lượng đậu nành xuất khẩu ở Mỹ vào năm ngoái. Ông Westoff ước tính giá đậu nành đã giảm 9% từ khi thương chiến bắt đầu.

Từ tháng 9/2017 tới tháng 5/2018, tổng lượng xuất khẩu đậu nành Mỹ tới Trung Quốc đạt 27,7 triệu tấn. Con số này giảm hơn 70% xuống chỉ còn 7 triệu tấn trong cùng kì 9 tháng từ năm 2018 tới năm 2019 - theo phân tích từ Đại học Missouri.

42 1 Tq Di Nuoc Co Tao Bao Chua Tung Co Mat Khach Hang Sop Nong Dan My Da Dau Nay Cang Them Kho

Những quốc gia mua nông sản Mỹ nhiều nhất trong năm 2018. Ảnh: CNBC

Ông Westhoff ước tính sau khi thuế quan có hiệu lực, Mỹ sẽ mất thêm 4 tỉ USD giá trị đậu nành xuất khẩu - trong trường hợp chưa hoàn toàn mất thị trường Trung Quốc. Thuế quan cũng bắt đầu có hiệu ứng dây chuyền đối với các loại nông sản khác. Cụ thể, khi nhu cầu hạt đậu nành ít đi, nông dân sẽ phải trồng các loại nông sản khác như ngô để thay thế. Kết quả là, giá ngô cũng thấp theo bởi sản lượng ngô tăng đột biến.

Cựu Thống đốc bang Iowa Patty Judge nói việc mất đối tác thương mại nhưu Trung Quốc sẽ đẩy Mỹ vào "tình thế nguy hiểm".

"Nông dân sẽ phải hứng chịu những hậu quả nguy hiểm," bà Judge nói.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ 4 đối với các nông sản xuất khẩu Mỹ, sau Canada, Mexico và Nhật Bản. Hiện tại, Mỹ vẫn chưa kí thỏa thuận thương mại với Canada và Mexico. Mặc dù nông sản xuất khẩu chỉ chiếm một phần nhỏ trong GDP 20 nghìn tỉ USD, nhưng thuế quan lại nhằm trực tiếp vào những người nông dân và khiến tầng lớp này gặp nhiều khó khăn hơn bao giờ hết.

Nguyện vọng của nông dân Mỹ

Thu nhập của người làm nông Mỹ trong 6 năm qua đã liên tục giảm, kể cả trước khi có thuế quan. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, tổng thu nhập của nông dân giảm 45% từ mốc 123,4 tỉ USD vào năm 2013 xuống chỉ còn khoảng 63 tỉ USD vào năm 2018.

Bên cạnh thuế quan, nông dân Mỹ còn phải đối phó với lũ lụt và bệnh cúm lợn Châu Phi - đây cũng là nguyên nhân làm sụt giảm nhu cầu đậu nành và các nông sản làm thức ăn cho lượn. Nhà Trắng đã bắt đầu gói viện trợ liên bang 16 tỉ USD vào tháng 5 vừa qua để giúp bồi thường cho nông dân chịu thiệt hại từ thương chiến. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế.

"Người nông dân muốn có lợi nhuận lớn vào cuối năm nay - họ muốn có tiền nhờ thị trường chứ không phải từ viện trợ chính phủ," bà Judge cho hay. Ngoài ra, nhiều nông trại quy mô nhỏ cũng khó có thể được vay vốn nếu không có một lượng nhu cầu đủ lớn từ khách hàng để đảm bảo cho đầu ra.

Nông nghiệp đã là vấn đề nhạy cảm đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Khi gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G-20 vào tháng 6, ông Trump tuyên bố đã đảm bảo được rằng Trung Quốc sẽ phải mua một lượng lớn nông sản Mỹ.

Nhưng sau đó, ông Trump cáo buộc Trung Quốc đã trở mặt và vì vậy, Mỹ sẽ áp thêm 10% thuế đối với 300 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc còn lại.

Ngày 5/8 vừa qua, phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố các công ty Trung Quốc đã ngừng mua nông sản Mỹ để trả đũa cho thuế quan bất ngờ của ông Trump.

"Đây là sự vi phạm nghiêm trọng đối với những cuộc đàm phán giữa những quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc," thông điệp từ Bắc Kinh cho hay.

Bà Judge nhắc lại cuộc khủng hoảng nông nghiệp vào những năm 1980, khi giá nông sản thấp tới mức người nông dân không thể trả được tiền đất đai và tiền nợ mua trang thiết bị. Dựa vào tiến triển của các cuộc đàm phán thương mại, bà Judge có khả năng "lịch sử sẽ lặp lại".

"Chúng tôi không muốn thấy người dân mất ruộng và không thể thanh toán các khoản nợ tài chính. Nhưng có vẻ như thương chiến chưa thể được giải quyết trong tương lai gần, và nông dân Mỹ sẽ còn gặp phải rất nhiều vất vả," bà nói.

 

Nguồn: VnExpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC