Sau cái chết vì 'nhảy lầu' của ông Trịnh Hiểu Tùng, Chánh văn phòng đại diện Trung Quốc ở Macau, trang Caixin vừa liệt kê ra danh sách dài số quan chức Trung Quốc đã 'tự sát' hoặc chết bất thường từ 2014.

42 1 Tq Lien Tiep Co Cac Vu Quan Chuc Tu Sat

Biểu tượng Mao tại TQ

Sang ngày 22/10, chính quyền Trung Quốc đưa ra lời giải thích nói ông Trịnh đã tự sát hôm 20/10 ở tuổi 59 vì 'trầm cảm nặng'.

Trang Caixin (Tài Tân) ở Trung Quốc đã có bài liệt kê ra con số mà họ có được về 30 trường hợp tự sát trong quan chức nước này từ 2014 đến nay.

Trong số các tên tuổi nổi bật nhất có:

  • Thượng tướng Trương Dương, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân Giải phóng, tự sát bằng treo cổ ngày 23/11/2017, theo thông tin chính thức từ chính quyền.
  • Phó Bí thư tỉnh Quảng Đông, ông Lưu Hiểu Hoa, tự tử chết ngày 12/06/2016.
  • Thị trưởng, Phó Bí thư Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, ông Tiêu Vân Tôn, tự chết đuối ngày 1/11/2015.
  • Phó Bí thư Bắc Kinh, ông Vương Hiểu Minh, nhảy lầu chết ngày 21/05/2018.
  • Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Hohhot, khu tự trị Nội Mông, ông Trương Bành Tuệ, tự sát trong văn phòng ngày 8/09/2015.

Năm 2015 là năm đặc biệt có nhiều vụ quan chức trung và cao cấp Trung Quốc "tự sát", với cả thảy 11 người.

Sang năm 2016, con số này giảm hẳn đi, chỉ có 5 vụ.

Nhưng điều đặc biệt của năm 2016 là số vụ tự sát do nhảy lầu chiếm khá cao: 4/5 trường hợp.

Trong khi đó, các năm khác ghi nhận nhiều nguyên do tử vong rất đa dạng.

Có đủ các loại lý do khiến quan chức Trung Quốc kết liễu mạng sống: tự tử trong văn phòng, chết trong công viên, nhảy lầu, nhảy xuống sông, tự treo cổ.

Riêng năm 2017 có hai quan chức, một ở Cam Túc, một ở Lan Châu, bị cho là "chết đuối ở sông Dương Tử".

Duy nhất có một phó chủ tịch ở Vân Nam hồi tháng 7/2014 "tự sát" vì đã nhiễm HIV.

42 2 Tq Lien Tiep Co Cac Vu Quan Chuc Tu Sat

Một hình chụp lễ tại Macau hồi tháng 12/2017 mà ông Trịnh Hiểu Tùng còn tham dự

Con số thật là bao nhiêu?

Nhưng trang Caixin cũng chỉ nói danh sách của họ không nêu đủ số cán bộ trung và cao cấp của Đảng Cộng sản và chính quyền Trung Quốc "tự sát"

Bài báo trích một điều tra hồi 2017 của Viện Hàn lâm Xã hội học Trung Quốc (CASS) nói có 243 quan chức Trung Quốc đã tự tử từ 2009 đến 2016.

Riêng năm 2014 có con số cao kỷ lục: 59 vụ.

Vẫn thống kê của CASS nói cứ 100 nghìn quan chức Trung Quốc thì có 5 người tự tử hàng năm.

Quan trường Trung Quốc là chốn rất dễ gây các bệnh như trầm cảm, với con số quan chức bị bệnh này lên tới 50%, theo CASS.

Sự thiếu vắng tính minh bạch quanh các vụ tử vong "bất thường" của quan chức Trung Quốc khiến dư luận chỉ có thể đồn đoán.

Chẳng hạn như khi Thượng tướng Trương Dương chết tháng 11/2017, báo đài chính phủ chỉ nói ông bị "trầm cảm nặng".

Nhưng gần đây, Đảng Cộng sản lại công bố quyết định khai trừ ông dù ông đã chết, đặt ra câu hỏi về cái chết đã gần một năm về trước.

Được biết Chánh văn phòng Liên lạc Đại lục - Macau, ông Trịnh Hiểu Tùng tự sát chỉ vài ngày trước khi lễ khánh thành cây cầu thế kỷ nối Hong Kong với Chu Hải và Macau với sự có mặt của Chủ tịch tối cao Tập Cận Bình.

Thời Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc trong thập niên 1960-70 cũng có các vụ 'tự sát' của cán bộ Đảng và quân đội.

Nhưng về sau này không ít các vụ việc được cho là nạn nhân bị đẩy đến chỗ không muốn sống do bị đấu tố, hành hạ.

Nguồn: BBC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC