Giữa bối cảnh nền kinh tế Nga lao đao vì những khó khăn nội tại và các lệnh trừng phạt quốc tế, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tận dụng cơ hội để thâu tóm tài sản của Nga. Nhiều công ty Nga không còn đủ vốn để tái sản xuất, buộc phải bán đi tài sản với giá rẻ để duy trì hoạt động.
Hình ảnh minh họa - KIRILL KUDRYAVTSEV//Getty Images
Một công ty Trung Quốc sẽ mua lại một mỏ than ở Nga đang bên bờ vực phá sản.
Một công ty Trung Quốc mới đây đã hoàn tất thương vụ mua lại 100% cổ phần của công ty khai thác than Inskaya tại khu vực Kemerovo, Nga. Inskaya đứng trước nguy cơ phá sản do thiếu hụt nguồn vốn nghiêm trọng.
Hãng thông tấn nhà nước Nga Interfax đưa tin công ty Trung Quốc giấu tên này đã mua lại mỏ than Inskaya khi công ty này đang phải đối mặt với yêu cầu bồi thường từ Cục Thuế Liên bang Nga (FTS) lên tới hơn 2 triệu USD và khiếu nại từ công nhân về việc chưa trả lương.
Việc mua lại này không chỉ giúp Trung Quốc sở hữu thêm nguồn cung than đá chiến lược mà còn tận dụng lợi thế ép giá nhờ vào tình thế khó khăn của đối tác.
Động thái này được xem là ví dụ điển hình cho thấy Trung Quốc đang tận dụng tình hình kinh tế bất ổn của Nga, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ đối tác thương mại "không giới hạn" giữa hai nước đang có những biến động khi cuộc chiến giữa Moscow và Ukraine kéo dài.
Ngoài than đá, Trung Quốc còn đặc biệt quan tâm đến dầu thô, quặng sắt và các mỏ uranium của Nga. Hiện tại, Trung Quốc đang đàm phán để mua cổ phần của các công ty khai thác uranium tại vùng Trung Nga, mở rộng tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn nhanh chóng thu mua 150 hecta rừng ở vùng Viễn Đông Nga, cho thấy tham vọng kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia láng giềng. Những động thái này phản ánh chiến lược thâm sâu của Trung Quốc trong việc tận dụng khủng hoảng kinh tế để gia tăng ảnh hưởng.
Về mặt chiến lược dài hạn, Trung Quốc đang từng bước chuẩn bị đối đầu với Hoa Kỳ bằng cách tích cực thu gom tài nguyên và củng cố vị thế kinh tế. Bắc Kinh hiểu rằng, dù Hoa Kỳ đã suy yếu so với thời kỳ đỉnh cao, nhưng khả năng huy động sức mạnh tổng thể và liên kết đồng minh vẫn rất mạnh mẽ. Do đó, Trung Quốc cần xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc để sẵn sàng đối phó với các tình huống quốc tế bất lợi.
Lịch sử vẫn in dấu ấn sâu đậm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Việc Nga từng buộc nhà Thanh ký Điều ước Aigun năm 1858 và Điều ước Bắc Kinh năm 1860, nhượng lại hàng trăm nghìn km2 lãnh thổ, là bài học mà Bắc Kinh không quên. Giờ đây, Trung Quốc đang áp dụng chiến lược xâm lấn tinh vi thông qua kinh tế, nhân khẩu học và địa chính trị để từng bước lấy lại những gì đã mất.
Trong khi đó, nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin đang đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có. Chỉ trong vài năm gần đây, Nga liên tục chịu những thất bại nặng nề trên nhiều mặt trận, khiến vị thế quốc gia ngày càng suy yếu.
Sự phụ thuộc ngày càng lớn vào Trung Quốc và các đối tác như Iran, Triều Tiên đã khiến Nga rơi vào thế bị động, mất dần quyền tự chủ.
Những diễn biến này cho thấy sự dịch chuyển quyền lực phức tạp trong khu vực, khi Trung Quốc âm thầm nhưng quyết liệt mở rộng ảnh hưởng, còn Nga dần trở thành "cái bóng" dưới cái bóng quyền lực của Bắc Kinh.
Thành Lộc - Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC
Theo Newsweek