Trong nhiều năm, các công ty Mỹ phàn nàn Trung Quốc đã tìm mọi cách để khiến họ trao các bí mật thương mại có giá trị nhất của mình, theo tờ New York Times.

Các quan chức thương mại Mỹ đã trích dẫn những thực tiễn trên như một động lực chủ yếu cho kế hoạch của chính quyền Trump trong đầu năm nay, áp thuế đối với 60 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, thể hiện một lập trường cứng rắn hơn về mối quan hệ thương mại rộng lớn và sinh lợi giữa 2 nước.

Kế hoạch phác thảo một cách thẳng thắn về cách thức mà tài sản sở hữu trí tuệ – đối với tất cả mọi thứ, từ thiết kế sản phẩm và dữ liệu nhạy cảm, cho đến bí quyết chung của các công ty Mỹ – đã trở thành một điểm gây tranh cãi trong quan hệ thương mại toàn cầu.

Liên doanh như ‘hôn nhân cưỡng bức’

Trong một số ngành công nghiệp, như sản xuất xe hơi, Trung Quốc từ lâu đã yêu cầu các công ty nước ngoài phải liên doanh với các công ty trong nước. Ví dụ, các đại gia ô tô của Mỹ như General Motors và Ford đã liên doanh với các công ty Trung Quốc để sản xuất ô tô tại thị trường đông dân nhất thế giới.

42 1 Trung Quoc Chiem Doat Cong Nghe Nuoc Ngoai Nhu The Nao

Các công ty nước ngoài từ lâu đã phàn nàn rằng họ chỉ đơn giản là đào tạo các đối thủ trong tương lai. Các doanh nghiệp Nhật Bản và châu Âu cho hay các công ty đường sắt Trung Quốc đã sử dụng công nghệ từ các liên doanh để trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao.

Mặc dù các quy tắc thương mại giới hạn số lượng công nghệ mà đối tác Trung Quốc có thể nhận được từ một liên doanh, nhưng một số doanh nghiệp Mỹ và chính quyền Trump cho rằng các quan chức Trung Quốc thường yêu cầu chuyển giao công nghệ một cách phi pháp.

Các yêu cầu phải liên doanh đã lan sang cả những lĩnh vực khác. Chẳng hạn Trung Quốc đã gây áp lực lên các công ty nước ngoài, yêu cầu phải chia sẻ công nghệ với các đối tác trong nước nếu họ muốn sản xuất ô tô điện ở Trung Quốc, một ngành công nghiệp Trung Quốc có tham vọng trở thành một nước sản xuất chủ yếu.

Tuy nhiên, việc có được một đối tác nước ngoài cũng không có nghĩa Trung Quốc có thể chiếm lĩnh được thị trường thế giới. Mặc dù các nhà máy Trung Quốc đã sản xuất tự động được những chiếc xe chất lượng cao hơn, bao gồm cả một số xe được trù định xuất khẩu sang Mỹ, nhưng không có nhà sản xuất ô tô Trung Quốc nào phát triển một thương hiệu trong nước đủ hấp dẫn để bán ra nước ngoài với số lượng lớn.

Kiểm soát dữ liệu nhạy cảm

Theo chính quyền Trump, các quan chức Trung Quốc đã sử dụng việc phê chuẩn và cấp giấy phép đầy tính quan liêu đối với các dự án đầu tư nước ngoài để giành quyền kiểm soát dữ liệu nhạy cảm.

Chẳng hạn trong lĩnh vực điện toán đám mây, các quy định mới của Trung Quốc yêu cầu các công ty nước ngoài quản lý các hoạt động điện toán đám mây phải bị kiểm soát trong nước. Do đó, để tuân thủ, các công ty Apple và Amazon phải chuyển ổ cứng lưu trữ dữ liệu người dùng ở Trung Quốc cho các công ty trong nước.

Các công ty như Apple và Amazon đã thành lập liên doanh với các đối tác trong nước, để xử lý dữ liệu tại Trung Quốc, một yêu cầu phi lý nhưng lại được các quan chức Trung Quốc biện bạch rằng rất cần thiết do những ‘lo ngại về an ninh và sự riêng tư’.

Các quan chức Trung Quốc cũng gây áp lực lên các công ty nước ngoài, yêu cầu cho phép họ tiếp cận công nghệ nhạy cảm, như một phần của quy trình xem xét, để đảm bảo những sản phẩm đó ‘an toàn cho người tiêu dùng Trung Quốc’.

Mua sắm ‘tràn lan’

Nếu như công nghệ mà Bắc Kinh mong muốn không ‘tự đến’ Trung Quốc, thì họ sẽ đi ra nước ngoài để mua nó.

Chính phủ Mỹ cáo buộc Bắc Kinh chỉ đạo các công ty tư nhân Trung Quốc mua bí quyết, công nghệ Mỹ, thông qua các thỏa thuận giao dịch. Những giao dịch mua bán này bao gồm một số lĩnh vực tiên tiến, như chất bán dẫn, hàng không, người máy và ô tô tự lái.

Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ năm ngoái cũng lập luận rằng các nhà đầu tư Trung Quốc đang hỗ trợ tài chính cho các công ty khởi nghiệp, sáng tạo tại Mỹ.

Thực tế, chính quyền Trump không phải là chính quyền đầu tiên thể hiện sự quan ngại trước âm mưu thôn tính của Bắc Kinh. Ví dụ như, sau khi các công ty tư nhân Trung Quốc giành mua một số công ty bán dẫn của Mỹ 3 năm trước, chính quyền của Tổng thống Obama đã bắt đầu từ chối các thỏa thuận khác, với lý do an ninh quốc gia.

Trong nhiều trường hợp, những khách hàng công ty Trung Quốc lập luận rằng họ không có mối quan hệ nào với chính phủ của mình, rằng họ đầu tư vào công nghệ vì những lý do tương tự như mọi người khác.

Một giám đốc điều hành khởi nghiệp đã nói với tờ ‘New York Times’ năm ngoái rằng công ty của ông đã nhận được sự ủng hộ tài chính của Trung Quốc, đơn giản chỉ vì các quan chức và công ty Mỹ đã không làm như vậy.

42 2 Trung Quoc Chiem Doat Cong Nghe Nuoc Ngoai Nhu The Nao

Tổng thống Trump hôm 22/3/2018, khi thông báo áp thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá khoảng 60 tỷ đô la. (Ảnh: The New York Times).

Ăn cắp bí quyết công nghệ

Một số công ty Mỹ cho hay các đối thủ Trung Quốc của họ đã có được những bí mật theo cách ăn cắp truyền thống.

Các công ty Mỹ và những người ủng hộ họ ở Washington khiếu nại các công ty Trung Quốc đã đánh cắp các bí mật để giúp xây dựng các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như tuốc-bin gió, thường thông qua các tin tặc.

Việc khiếu nại này đã xảy ra trong một thời gian dài. Dưới thời chính quyền Obama, chính phủ Mỹ đã buộc tội vắng mặt 5 sỹ quan quân đội Trung Quốc vì đã tham gia vào hoạt động gián điệp thương mại. Tuy nhiên chính phủ Trung Quốc đã giận dữ phủ nhận các cáo buộc này.

 

Nguồn: Duy Nghĩa

DKN.tv




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC