Theo Reuters, Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật ở biển Hoa Đông và với nhiều nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông.
Bắc Kinh đã điều hải cảnh truy đuổi tàu thuyền đánh bắt cá của các quốc gia khác tại những vùng biển này, động thái đôi khi dẫn tới các vụ chìm tàu và vấp phải sự lên án mạnh mẽ của dư luận quốc tế.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, luật mới được cơ quan lập pháp hàng đầu Đại lục thông qua hôm 22/1 cho phép lực lượng hải cảnh nước này sử dụng "mọi biện pháp cần thiết để chấm dứt hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ các tàu nước ngoài".
Luật cũng nêu rõ từng trường hợp hải cảnh có thể sử dụng những loại vũ khí khác nhau, bao gồm vũ khí cầm tay, phóng từ tàu hay từ trên không.
Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Ngoài ra, hải cảnh Trung Quốc cũng sẽ được phép phá hủy các công trình do những nước khác xây dựng trên các bãi đá ngầm mà Bắc Kinh có yêu sách chủ quyền cũng như lên tàu nước ngoài kiểm tra. Luật hải cảnh mới cũng cho phép Trung Quốc tạo ra các vùng cấm tạm thời trên biển "khi cần thiết" để ngăn chặn tàu bè và công dân nước khác đi vào các khu vực đó.
Một số nhà quan sát cảnh báo, động thái mới của Trung Quốc có thể phức tạp hóa tình hình tại những vùng biển có tranh chấp như Biển Đông.
Trong một động thái góp phần mạnh mẽ vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm tạo sức ép pháp lý ngăn cản các "hành vi ngang ngược" của Bắc Kinh, phái đoàn thường trực của Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc ngày 19/1 đã gửi công hàm lên Tổng thư ký LHQ để bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Công hàm nêu rõ, với tư cách là quốc gia tham gia Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS), Nhật bác bỏ quan điểm của Trung Quốc rằng “việc Bắc Kinh vẽ đường cơ sở lãnh hải trên các đảo và bãi đá ngầm ở Biển Đông là phù hợp với UNCLOS và pháp luật quốc tế”.
“UNCLOS nêu một cách cụ thể và đầy đủ các điều kiện để áp dụng các đường cơ sở, nhưng Trung Quốc không thể dẫn ra được các điều khoản liên quan của UNCLOS để khẳng định tính hợp pháp của các đường cơ sở trên. Không hề có một cơ sở nào để một quốc gia thành viên biện hộ cho việc áp dụng những đường cơ sở không thỏa mãn các điều kiện UNCLOS nêu ra”, trích công hàm của Nhật.
Nguồn: Tuấn Anh/ Vietnamnet.vn