Lễ tấn phong quân hàm thượng tướng cho ông Trần Huy - Ảnh: CGTN
Những biến cố đó được phản ánh phần nào trong bài phát biểu quan trọng của thượng tướng Hà Vệ Đông, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) ở đại hội Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) ngày 10-1.
Chiến dịch cải tổ còn tiếp tục
Theo Tân Hoa xã, ông Hà, đồng thời là ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói cuộc chiến chống tham nhũng của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) năm 2024 đã đạt được nhiều "thành tựu và tiến bộ".
Nhưng năm nay PLA sẽ phải thúc đẩy hơn nữa công tác "rèn luyện về chính trị, đấu tranh chống tham nhũng"; "đưa công tác tuyển dụng và sử dụng con người vào khuôn khổ" và thúc đẩy "trừng trị tham nhũng, chống lại cái ác".
Ông Hà đặc biệt nhấn mạnh quân đội cần "không ngừng sửa trị thói xấu "tứ phong"". Đây là bốn thói xấu của giới quan chức được Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định từ năm 2013 bao gồm: chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa hưởng lạc và phong thái xa xỉ. Từ đó đến nay "tứ phong" liên tục được nhấn mạnh trong các chiến dịch chỉnh đốn đảng, đặc biệt với quan chức cấp cao.
Chính thức và gần đây nhất, vào tháng 11-2024 đô đốc Miêu Hoa - quan chức cấp cao nhất của PLA - bị điều tra với cáo buộc tham nhũng. Ông Miêu là thành viên CMC và giữ chức chủ nhiệm Bộ Công tác chính trị CMC, cơ quan phụ trách công tác tư tưởng và tổ chức.
Sinh ra tại Phúc Kiến, ông Miêu từng là chính ủy Tập đoàn quân 31 (nay là Tập đoàn quân 73) đóng tại tỉnh này từ những năm 1980 đến đầu thập niên 2000, giai đoạn ông Tập Cận Bình đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo ở Phúc Kiến.
Sự nghiệp của ông Miêu thăng tiến nhanh chóng từ năm 2012 khi ông được bầu vào CCDI và thăng hàm trung tướng. Năm 2014 ông được bổ nhiệm làm chính ủy hải quân, dù trước đó chỉ phục vụ trong lực lượng lục quân. Đến năm 2017, ông chính thức trở thành thành viên CMC.
Thách thức từ những bê bối
Cũng năm 2024, Trung Quốc công bố tiến hành điều tra tham nhũng với cựu bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lý Thượng Phúc. Ông Lý mất chức vào tháng 10-2023, chỉ bảy tháng sau khi nhậm chức. Người tiền nhiệm của ông, Ngụy Phượng Hòa, cũng chịu số phận tương tự. Cả hai người đã bị khai trừ khỏi đảng vào tháng 6-2024.
Ít được biết tới hơn, 14 đại biểu Quốc hội Trung Quốc là quân nhân đã mất tư cách đại biểu kể từ tháng 3-2023, mức độ kỷ luật cao nhất trong ít nhất 40 năm qua, theo báo South China Morning Post.
Trước đó trong cuộc gặp với CCDI ngày 30-12-2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc vẫn còn "nghiêm trọng và phức tạp".
"Tham nhũng vẫn là mối đe dọa lớn nhất với đảng và chống tham nhũng là hình thức tự cải cách quan trọng nhất", Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập.
Vào giữa tháng 12-2024, Tân Hoa xã đưa tin ông Trần Huy được thăng hàm thượng tướng và bổ nhiệm chính ủy lục quân Trung Quốc. Điều đáng nói là người tiền nhiệm của ông Trần, thượng tướng Tần Thụ Đồng vừa được bổ nhiệm vào đầu năm 2022 và hiện không ai rõ số phận của ông này ra sao.
Ông Tần có thể liên quan tới vụ đô đốc Miêu Hoa bị điều tra tham nhũng do thời điểm ông được bổ nhiệm chính ủy lục quân, ông Miêu đang là người phụ trách công tác tư tưởng và tổ chức của quân đội.
Theo AFP, báo cáo thường niên của Quốc hội Mỹ về diễn biến quốc phòng và an ninh Trung Quốc, công bố giữa tháng 12-2024, cho thấy tham nhũng trong PLA đã khiến nhiều lãnh đạo cấp cao bị cách chức. Báo cáo nhận định tình trạng này "có thể gây gián đoạn những tiến bộ hướng tới mục tiêu hiện đại hóa vào năm 2027" như Trung Quốc đã tuyên bố.
Đáng chú ý, một số lãnh đạo bị điều tra hoặc mất chức vì tham nhũng từng giữ vai trò giám sát các dự án phát triển trang thiết bị quan trọng, bao gồm lực lượng tên lửa hạt nhân và tên lửa thông thường phóng từ mặt đất.
Báo cáo cho biết Trung Quốc hiện sở hữu "kho tên lửa siêu vượt âm hàng đầu thế giới" và đã đạt được nhiều tiến bộ trong công nghệ tên lửa siêu vượt âm, cả thông thường lẫn hạt nhân, trong vòng 20 năm qua.
Đáp trả, Bắc Kinh nói báo cáo của Mỹ "hoàn toàn thiên lệch" và "chỉ là cái cớ để duy trì thế bá quyền quân sự (của Mỹ)", theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm trong một cuộc họp báo thường kỳ.
Vai trò thay đổi?
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện giờ là đô đốc Đổng Quân, được bổ nhiệm thay ông Lý Thượng Phúc từ tháng 12-2023.
Tuy nhiên sau những bê bối của hai ông Lý Thượng Phúc và Ngụy Phượng Hòa, vai trò bộ trưởng Bộ Quốc phòng ở Trung Quốc không còn sức nặng như thường thấy ở các cường quốc quân sự khác.
Đến nay đã hơn một năm sau khi lên làm bộ trưởng, ông Đổng Quân vẫn chưa vào CMC. Ông thậm chí không phải thành viên Quốc vụ viện (tức nội các Trung Quốc, hiện gồm tám người: thủ tướng, bốn phó thủ tướng, bộ trưởng công an và hai ủy viên).
Trước ông Đổng Quân, các bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc đều là ủy viên CMC và Quốc vụ viện.
HẢI MINH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online