Hôm thứ Hai (21/5), Trung Quốc đã lên tiếng phản bác cáo buộc cho rằng nước này đã ‘quân sự hóa’ Biển Đông, mặc dù trước đó Bắc Kinh đã liên tiếp cho các máy bay ném bom hạ cánh xuống một số căn cứ không quân mà họ xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn cho rằng Mỹ mới là thủ phạm gây ra căng thẳng trên vùng biển này, theo trang tin ABS-CBN của Philippines.
Hôm thứ Sáu (18/5), Trung Quốc bắt đầu cho một số máy bay chiến đấu H-6K đáp xuống một sân bay trên Biển Đông, gây ra nhiều lo ngại cho cộng đồng quốc tế.
Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc lên án Bắc Kinh “tiếp tục quân sự hoá các điểm tranh chấp trên Biển Đông”.
Hải quân Trung Quốc đang tuần hành trên đảo mà họ tuyên bố chủ quyền. (Ảnh: RAND Corporation)
Nhưng Trung Quốc ngay lập tức bác bỏ chỉ trích này khi cho rằng việc họ làm là không có vấn đề gì. Nhưng cần lưu ý rằng Bắc Kinh đã và đang gia tăng các hoạt động quân sự trên một khu vực biển có các tuyến vận tải hàng hải quan trọng, và khu vực biển này lại không thuộc về Trung Quốc theo phán quyết của tòa án quốc tế La Haye .
“Các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ Trung Quốc”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng mạnh miệng khẳng định.
Ông Lục cho biết máy bay của Trung Quốc di chuyển vào khu vực biển này là “một phần của các bài huấn luyện bình thường mà quân đội Trung Quốc cần thực hiện”, và ông Lục cũng lưu ý Mỹ rằng “đưa tàu chiến và máy bay của mình vào khu vực này sẽ gây ra nguy hiểm cho nước khác”.
Các cuộc diễn tập cất và hạ cánh của các máy bay chiến đấu Trung Quốc hôm thứ Sáu diễn ra trên đảo Phú Lâm, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington.
Đảo Phú Lâm là căn cứ quân sự lớn nhất mà Trung Quốc chiếm giữ trên quần đảo Hoàng Sa.
Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. (Ảnh: Submarine Matters)
Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông đã kéo dài trong nhiều năm, tham gia tranh chấp này ngoài Trung Quốc và Việt Nam còn có các nước Đông Nam Á khác như Philippines, Brunei và Malaysia.
Phản ứng trước hàng loạt động thái quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, Philippines hôm thứ Hai (21/5) cho biết đang thực hiện “hành động ngoại giao thích hợp”.
Trung Quốc đã xây dựng một chuỗi đảo nhân tạo tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông kể từ năm 2013, sau đó đã thiết lập nhiều sân bay, hệ thống radar và các cơ sở hải quân cho phép họ kiểm soát một vùng biển rộng lớn và buộc hải quân Mỹ phải đối mặt với những thách thức mới.
Nguồn: Zing.vn