Trung Quốc được cho là đang nhân danh chống khủng bố để tăng cường hiện diện quân sự ở nước ngoài.

Từ Vanuatu tới Maldives hay Campuchia, Sri Lanka, mỗi tuần qua đi lại có thêm những lời đồn đoán về nơi mà hải quân Trung Quốc sẽ xây căn cứ nước ngoài thứ hai của mình sau căn cứ Djibouti ở Đông Phi.

Suy đoán về việc thành phố Gwadar, Pakistan, có thể trở thành địa điểm xây dựng căn cứ quân sự của Trung Quốc chưa bao giờ mất đi kể từ thời điểm Bắc Kinh xây một cảng biển ở đây hồi năm 2002.

Những hoạt động tầm xa trong tương lai của hải quân Trung Quốc yêu cầu nhiều phương tiện hỗ trợ hậu cần hơn, vì thế Bắc Kinh được dự đoán sẽ nắm bắt mọi cơ hội phù hợp để biện minh cho việc ký kết các thỏa thuận xây dựng căn cứ.

Chẳng hạn một nhiệm vụ hộ tống của hải quân Trung Quốc ở eo biển Hormuz, như tuyên bố từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, có thể là cơ hội hoàn hảo để họ biện giải cho động thái ở Pakistan.

Trong khi hải quân thu hút hầu hết sự chú ý của quốc tế, quân đội Trung Quốc thực tế đã vận hành căn cứ quân sự thứ hai ở nước ngoài tại Tajikistan, dường như bắt đầu từ năm 2016 (ngày tháng hoạt động cụ thể không rõ ràng bởi chính quyền Trung Quốc không đưa ra thông báo chính thức).

Dù Bắc Kinh phủ nhận và cơ sở trên thậm chí không được đề cập công khai trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Tajikistan hồi tháng 6, các bản tin, hình ảnh vệ tinh và những bức ảnh chụp cho thấy một cơ sở nhỏ đã mọc lên ở tỉnh Gorno-Badakshan, cách biên giới Trung Quốc – Tajikistan khoảng 30 km.

42 1 Vai Tro Ngay Cang Tang Cua Luc Luong Chong Khung Bo Trung Quoc

Binh sĩ trên tàu chiến Trung Quốc tại Djibouti. Ảnh: Reuters.

Vị trí của căn cứ này nhìn ra hành lang Wakhan, dải đất hẹp thuộc tỉnh Badakhshan, Afghanistan, chia cách Tajikistan với Pakistan.

Việc lựa chọn đặt căn cứ ở Tajikistan có lẽ chủ yếu liên quan tới an ninh biên giới Trung Quốc. Bắc Kinh lâu nay vẫn lo ngại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể tấn công lợi ích của Trung Quốc.

IS đã xuất hiện tại Afghanistan và đe dọa chống lại Trung Quốc vì những hành động của Bắc Kinh bị cáo buộc là nhằm đàn áp người Hồi giáo Tân Cương.

Sự việc lãnh đạo lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Tajikistan, đại tá Gulmurod Khalimov, đào tẩu tới Syria để gia nhập IS hồi năm 2015, càng làm gia tăng lo ngại ở Bắc Kinh về những rủi ro tại Tajikistan.

Tuy nhiên, Badakhshan nằm ở độ cao 3.000 mét trên mực nước biển, thuộc dãy núi Pamir gần như quanh năm tuyết bao phủ. Các chiến binh Hồi giáo cực đoan sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc qua khu vực này để tấn công Tân Cương, ngay cả khi không có sự giám sát bổ sung từ Bắc Kinh.

Năm 2008 – 2009, khi chính quyền tổng thống Mỹ Barack Obama cố gắng tìm cách hợp tác an ninh với Trung Quốc nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan, quan điểm chủ đạo của Bắc Kinh lúc bấy giờ là hành lang Wakhan không gây ra mối đe dọa đặc biệt nào đối với Tân Cương. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt tại đây được xem như một tuyến phòng thủ xuất sắc.

Quan điểm trên giờ đây đã thay đổi, không chỉ bởi bối cảnh chính trị ở Tân Cương mà còn bắt nguồn từ nhận thức mới của Chủ tịch Tập về sự hữu ích trong việc sử dụng sức mạnh quân sự như một công cụ chính sách đối ngoại.

Ít nhất, căn cứ tại Tajikistan sẽ giúp quân đội Trung Quốc có được nhận thức về khu vực và thông tin tình báo tốt hơn nhằm duy trì quyền kiểm soát biên giới Tân Cương.

Bên cạnh đó, cơ sở này còn được hiểu giống như một nỗ lực xây dựng năng lực của Trung Quốc nhằm hỗ trợ Tajikistan đối phó những mối đe dọa đối với sự ổn định của đất nước. Giúp đỡ tài chính cho lính biên phòng Tajikistan và tăng cường hợp tác quân sự song phương cũng là một phần trong nỗ lực ấy.

Hồi tháng 7, Trung Quốc và Tajikistan còn tiến hành cuộc tập trận chung chống khủng bố “Hợp tác 2019” tại cùng khu vực Gorno-Badakhshan. Cuộc tập trận có sự tham gia của lực lượng đặc nhiệm, được máy bay do thám không người lái hỗ trợ, tiến hành giải cứu con tin trong tay một nhóm khủng bố.

Động thái phô diễn sức mạnh này được thực hiện sau khi quân đội Trung Quốc đưa ra sáng kiến bất thường xây dựng một Cơ chế Phối hợp và Liên lạc 4 bên (QCCM) với Tajikistan, Afghanistan và Pakistan.

Nhóm trên được thành lập vào mùa hè năm 2016 tại một buổi lễ khai mạc ở Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương. Đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc đóng vai trò thành viên sáng lập của một tổ chức đa phương mới.

Năm 2017 tại Dushanbe, lực lượng vũ trang 4 nước ký “Thỏa thuận về Cơ chế Hợp tác Chống khủng bố” và “Nghị định thư về Trung tâm Điều phối Thông tin Chống khủng bố”.

Việc QCCM ra đời cho thấy từ quan điểm của quân đội Trung Quốc, các thỏa thuận chống khủng bộ hiện có thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hay ở cấp song phương là chưa đủ để đảm bảo an ninh cho Tân Cương và bảo vệ lợi ích của Trung Quốc, hai thành viên SCO.

42 2 Vai Tro Ngay Cang Tang Cua Luc Luong Chong Khung Bo Trung Quoc

Binh sĩ Trung Quốc trên một tàu chiến rời cảng quân sự ở Trạm Giang để tới Djibouti năm 2017. Ảnh: Reuters.

Tác dụng phụ của việc Trung Quốc củng cố hiện diện quân sự tại Trung Á đến nay không gây ra nhiều ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moskva, bên vẫn đóng vai trò thống trị môi trường an ninh ở khu vực. Nga không được mời tham gia QCCM nhưng cũng không phản đối Trung Quốc đảm nhận vai trò an ninh ở Tajikistan. Điều này phản ánh sự tin tưởng lẫn nhau ở cấp độ chính trị cao nhất nhưng quyết đoán hơn nhiều, một sự tương thích với lợi ích an ninh Nga, chuyên gia đánh giá.

Việc Trung Quốc im hơi lặng tiếng về Tajikistan trái ngược với hoạt động mạnh mẽ của hải quân Trung Quốc xung quanh Djibouti. Tránh gây chú ý vẫn được coi là chiến lược hữu dụng trong hoạt động chống khủng bố.

Phương pháp tiếp cận âm thầm này giống như lời nhắc nhở rằng chính sách ngoại giao của Trung Quốc không từ bỏ hoàn toàn sự thận trọng dù Bắc Kinh giờ đây sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhiều hơn trước.

Nhưng ở cấp độ tổng quát hơn, điều quan trọng nhất đối với công đồng quốc tế là Trung Quốc không dùng quân sự phục vụ cho mục đích răn đe hoặc chiến tranh tâm lý.

“Hành động quân sự nhân danh chống khủng bố sẽ là một chiến lược rất hợp lý trong những năm sắp tới”, Mathieu Duchatel, giám đốc chương trình châu Á tại Viện Montaigne, Pháp, nhận định.

Vũ Hoàng (Theo SCMP)

Nguồn: VnExpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC