Giới chức Kenya đang điều tra vật thể lạ nặng nửa tấn rơi xuống ngôi làng ở miền nam nước này.

1 Vat The La Nang Nua Tan Tu Tren Troi Roi Xuong Kenya

Vật thể lạ rơi xuống ngôi làng tại Kenya - Ảnh: KBC/YouTube

Thông tin từ Cơ quan Không gian Kenya (KSA), vật thể lạ này là một vòng kim loại có đường kính khoảng 2,4m và nặng gần 500kg. Nó rơi xuống ngôi làng Mukuku, thuộc hạt Makueni, vào khoảng 3h chiều, giờ địa phương ngày 30-12-2024.

Theo KSA, "đánh giá sơ bộ cho thấy vật thể rơi xuống là một vòng phân tách từ phương tiện phóng". Loại vòng này thường được thiết kế để cháy rụi khi quay trở lại bầu khí quyển Trái đất hoặc rơi xuống các khu vực không có người sinh sống.

Họ khẳng định vật thể này không gây nguy hiểm cho an toàn công cộng và khen ngợi người dân địa phương đã nhanh chóng báo cáo vụ việc cho cơ quan chức năng. KSA cũng cho biết đang làm việc để xác định nguồn gốc của mảnh vỡ này.

Trước đây, đã có nhiều trường hợp rác thải không gian do con người tạo ra rơi xuống Trái đất. Năm 2022, một phần của tàu vũ trụ SpaceX Dragon đã rơi xuống một trang trại cừu ở Úc. Đầu năm 2024, NASA đối mặt với một vụ kiện từ một gia đình Mỹ vì ngôi nhà của họ ở Florida bị trúng một mảnh kim loại rơi xuống.

Ngày 8-3-2024, một vật thể hình trụ đã đâm xuyên qua ngôi nhà của ông Alejandro Otero ở Naples. Ông kể với Đài WINK-TV, chi nhánh của CBS tại Fort Myers, Florida, rằng con trai ông đã gọi báo tin khi ông đang đi nghỉ.

"Tôi run rẩy. Tôi hoàn toàn không thể tin nổi. Xác suất để một vật thể rơi trúng nhà tôi với lực mạnh như vậy gây ra thiệt hại lớn là bao nhiêu?" Otero nói. "Tôi vô cùng biết ơn vì không ai bị thương".

Trung Quốc cũng từng bị NASA chỉ trích vì để các tên lửa khổng lồ Long March rơi tự do xuống Trái đất sau khi hoàn thành sứ mệnh.

Tháng 2 năm ngoái, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết một vệ tinh có khối lượng hơn 700kg đã quay trở lại Trái đất không kiểm soát, đi vào bầu khí quyển trên vùng biển Thái Bình Dương phía bắc, giữa Alaska và Hawaii.

Rác vũ trụ tràn ngập quỹ đạo Trái đất

Những năm gần đây, vấn đề rác thải không gian đã gia tăng song song với sự tăng trưởng của hoạt động giao thông vũ trụ.

Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu, trên quỹ đạo Trái đất có gần 37.000 mảnh vỡ có kích thước hơn 10cm được các mạng lưới giám sát không gian theo dõi. Ngoài ra, có hơn 1 triệu mảnh vỡ từ 1 - 10cm có khả năng gây nguy hiểm, nhưng không thể giám sát được.

BÌNH MINH

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC