Cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc kỳ vọng có thể bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 tại các nước nghèo từ tháng 2-2021.

Theo Hãng tin Reuters, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 11-1, ông Bruce Aylward, cố vấn cao cấp của WHO, cho biết: "Chúng tôi hi vọng và rất tin tưởng rằng sẽ có thể bắt đầu tiêm vắc xin trong tháng 2 tại những nước này (tức các nước có thu nhập thấp và cận trung bình - PV)".

"Tuy nhiên chúng tôi không thể đơn phương làm việc đó. Chúng tôi cần sự hợp tác của các nhà sản xuất vắc xin để ưu tiên phân phối cho sáng kiến COVAX", ông Bruce Aylward nói.

Cho tới nay, sáng kiến COVAX với sự hỗ trợ của WHO, liên minh vắc xin GAVI và Liên minh các sáng kiến dự phòng ứng phó đại dịch (CEPI) đã huy động được 6 tỉ USD và đặt mua được 2 tỉ liều vắc xin COVID-19, cộng thêm với các lựa chọn được mua thêm 1 tỉ liều khác.

42 1 Who Viec Tiem Vac Xin Covid 19 Cho Cac Nuoc Ngheo Co The Bat Dau Trong Thang 2

Ông Bruce Aylward, cố vấn cao cấp của WHO, trong cuộc họp báo ngày 24-2-2020 tại Bắc Kinh, Trung Quốc thảo luận về cuộc điều tra nguyên nhân bùng phát đại dịch COVID-19 - Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên trong bối cảnh nhiều quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Israel và một số nước khác đang chiếm ưu thế trong việc được tiếp nhận sớm các lô vắc xin COVID-19, WHO lo ngại 92 quốc gia có thu nhập thấp và cận trung bình có thể bị hạn chế tiếp cận vắc xin.

Do đó, cũng trong ngày 11-1, WHO một lần nữa thúc giục các nhà sản xuất vắc xin tăng nguồn cung vắc xin COVID-19 cho chương trình COVAX triển khai tại các nước nghèo.

Tới nay trên toàn thế giới đã có hơn 40 nước bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân. Số vắc xin được phê chuẩn ngày càng nhiều hơn, trong đó có vắc xin của Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và các vắc xin được phát triển tại Nga và Trung Quốc.

Ông Bruce Aylward lưu ý cho tới nay hầu như tất cả những nơi đã tiêm vắc xin COVID-19 đều là những nước có thu nhập cao hoặc trung bình, do đó cần phải tạo điều kiện để vắc xin này đến được với người dân ở những nước có thu nhập thấp hoặc cận trung bình.

Ông cũng lạc quan cho rằng chương trình tiêm vắc xin trong khuôn khổ sáng kiến COVAX tại các nước nghèo thậm chí còn có thể khởi động ngay trong tháng này.

"Tuy nhiên cũng cần phải nhắc lại, điều đó đòi hỏi sự hợp tác của các bên tham gia - ông Bruce Aylward nói - Ngay lúc này chúng ta đang thấy một tình huống bất bình đẳng".

Thống kê của Reuters cho biết Trung Quốc tới nay là nước triển khai tiêm vắc xin được nhiều nhất với khoảng 9 triệu người. Kế đó là Mỹ với 6,7 triệu người và thứ ba là Israel với 1,8 triệu người.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC