Hà Lan, Đức và Ba Lan đã ký tuyên bố về việc thiết lập một hành lang quân sự cho việc di chuyển các thiết bị quân sự.

"Chúng tôi cần một khối Schengen quân sự để di chuyển quân nhân và trang thiết bị quân sự nhanh chóng và hiệu quả hơn. Điều này sẽ làm cho châu Âu mạnh mẽ hơn. Chúng tôi đã thực hiện một bước quan trọng: Ba Lan, Đức và Hà Lan đã ký tuyên bố thiết lập một hành lang quân sự", Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollong thông báo hôm 31/1.

Bộ trưởng Ollong nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện cho hoạt động triển khai quân đội nhanh chóng trước bất kỳ cuộc xung đột tiềm ẩn nào.

"Điều đó có nghĩa là phải có khả năng di chuyển nhanh chóng từ Hà Lan qua Đức đến Ba Lan", Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan tuyên bố.

Ý tưởng về khối "Schengen quân sự" đã được giới lãnh đạo quân sự NATO đề xuất trong nhiều năm qua. Cho tới nay, các cuộc đàm phán về việc tạo ra hành lang quân sự "đang diễn ra" và kết quả có thể được công bố trước hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của NATO vào tháng 7.

Hồi tháng 11/2023, Giám đốc hậu cần châu Âu của NATO, Trung tướng Alexander Sollfrank đã kêu gọi các nước thiết lập các khu vực cho phép quân đội và đạn dược di chuyển nhanh chóng trong trường hợp xảy ra xung đột lớn với Nga.

Tướng NATO kêu gọi thiết lập một khu vực "Schengen quân sự" cho phép nhân lực, thiết bị quân sự tự do di chuyển khắp châu Âu, tương tự khối Schengen chính trị cho phép người dân đi lại tự do ở phần lớn các nước Liên minh châu Âu (EU).

Liên minh châu Âu và NATO đã bắt tay tạo ra "Schengen quân sự" từ năm 2017.

1 3 Nuoc Nato Ky Thoa Thuan Lap Hanh Lang Quan Su

Binh sĩ quân đội Đức và Lithuania trong cuộc tập trận của NATO năm 2023 (Ảnh: Bloomberg).

Thành tố chính của sáng kiến này là việc thiết lập các dự án để mở rộng và củng cố cơ sở hạ tầng giao thông châu Âu (bao gồm đường bộ, đường sắt, đường hầm, cầu cảng và sân bay) để có thể vận chuyển khí tài quân sự hạng nặng trên nhiều tuyến giao thông nhất có thể.

Đồng thời, các nước châu Âu bắt đầu thảo luận về cách thống nhất quy định vận chuyển vật tư quân sự và hàng hóa nguy hiểm, đặc biệt là chất nổ, trên các tuyến đường của họ.

Những biện pháp này nhằm mục đích tạo ra "Schengen quân sự", cho phép các đoàn xe quân sự di chuyển khắp châu Âu chỉ với một giấy phép duy nhất.

Khi được hỏi liệu Điện Kremlin có cho rằng đề xuất "Schengen quân sự" của NATO có nguy cơ làm dẫn đến xung đột vũ trang giữa Nga và châu Âu hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết "đây không khác nào sự kích động căng thẳng ở châu Âu và động thái này sẽ dẫn đến hậu quả".

Kế hoạch của các nước NATO được đưa ra trong bối cảnh một số quan chức từ các quốc gia thành viên, trong đó có Anh, Đức và Estonia, đang hối thúc khối này chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự toàn diện với Nga trong tương lai gần. Các nước này cho rằng Moscow đã có kế hoạch tấn công châu Âu trong vài thập niên tới.

Khoảng 90.000 binh sĩ từ 31 quốc gia thành viên NATO và Thụy Điển đã bắt đầu cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 vào tuần trước. Đây là cuộc tập trận lớn nhất của NATO kể từ cuộc tập trận Reforger năm 1988 trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh.

Steadfast Defender 2024 sẽ bao gồm một loạt cuộc tập trận riêng lẻ và diễn ra ở khu vực kéo dài từ Bắc Mỹ đến sườn phía đông của NATO, gần biên giới Nga. Cuộc tập trận dự kiến kéo dài trong vài tháng.

Theo Sputnik

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC