Truyền thông Đức đã mạnh mẽ chỉ trích những yếu kém của lực lượng an ninh nước này sau những thông tin cho thấy tên khủng bố đã quá dễ dàng lọt lưới theo dõi.
Nhật báo Süddeutsche Zeitung của Đức ngày 22-12 đưa ra lời chỉ trích mạnh mẽ: “Cảnh sát đã mất quá nhiều thời gian trước khi xác nhận tên Anis Amri là nghi phạm chính”.
Foto: wdr.de
Quả thực trong vài giờ đầu tiên sau vụ tấn công tại chợ Giáng sinh Breitscheidplatz, quận Charlottenburg, trung tâm thủ đô Berlin vào tối 19-12 khiến 12 người thiệt mạng và gần 50 người bị Thương, lực lượng cảnh sát Đức chỉ chú mục vào một “nghi phạm” người Pakistan.
Sau đó người này được trả tự do vì không đủ chứng cứ.
Nhiều lổ hỗng an ninh
Vấn đề khiến truyền thông và dư luận Đức tức giận là giấy tờ tùy thân (thẻ lưu trú tạm thời của hung thủ) cùng chiếc ví của Anis Amri nằm ngay trên chiếc xe tải được dùng làm công cụ khủng bố đâm vào đám đông người dân đi mua sắm mùa Giáng sinh.
Kế đến là chuyện Amri không xa lạ gì với hệ thống an ninh của Đức vì tên hắn đã nằm trong danh sách cần theo dõi.
Tạp chí Der Spiegel viết trên trang mạng của mình: “Các cơ quan hữu quan đã đưa hắn vào tầm ngắm, thế mà hắn vẫn biến mất”.
Quả thực kể từ khi cái tên Amri nằm chễm chệ trên lệnh truy nã thì thông tin mới lộ ra rằng hắn từng bị an ninh Đức theo dõi suốt nhiều tháng theo diện “có khả năng gây nguy hại cho an ninh quốc gia (Đức)”.
Amri thậm chí còn được biết đã có liên hệ thường xuyên với nhóm cực đoan hoạt động tại nhà thờ Hồi giáo Hildensheim ở Niedersachsen vốn được biết đến như điểm “tuyển quân thánh chiến” sang Syria.
Cảnh sát Đức từng tiến hành lục soát nhà thờ này cùng với nhà cửa nhiều thành viên trong nhóm vào cuối tháng 7 vừa qua. Đến tháng 11 thì nhóm trên bị cấm hoạt động và tên thủ lĩnh Abu Walaa - nhân vật số 1 của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Đức - đã bị bắt giữ.
Báo Darmstädter Echo của Đức chỉ ra rằng một trong những vấn đề mang tính “lổ hỗng an ninh” trong vụ việc đầu tuần này chính là kiểu làm việc quan liêu theo tầng nấc của quốc gia liên bang trước một sự vụ khẩn cấp là chống khủng bố.
Tờ nhật báo trên đặt câu hỏi: “Tại sao một đối tượng như nghi phạm người Tunisia này lại có thể chơi trò mèo vờn chuột với các cơ quan có trách nhiệm trục xuất hắn?”.
Rồi chính tờ báo đưa ra câu trả lời: “Đó là do kiểu hoạt động liên bang đang thể hiện một mối nguy cho an ninh đất nước nếu không ý thức được về các vấn đề đang tồn tại”.
Nhật báo Süddeutsche Zeitung khẳng định bên an ninh đã phạm các sai lầm vì “việc theo dõi tên Anis Amri vừa không đầy đủ vừa không thích hợp (với mối nguy)”.
Truyền thông Đức gần như nhạo báng phía an ninh khi cho rằng họ không hề biết hung thủ đang lẩn trốn ở đâu sau khi xác định được danh tính tên này.
Đến ngày 21-12 thì 150 cảnh sát mới nhảy bổ vào lục soát trung tâm tị nạn ở Emmerich, phía tây nước Đức, nơi tên Amri từng lưu trú cách đây vài tháng.
Không tìm được manh mối gì nên Cảnh sát liên bang Đức buộc phải phát lệnh truy nã toàn châu Âu kèm tiền thưởng 100.000 euro cho những ai có thể cung cấp manh mối dẫn đến việc bắt giữ Amri.
Đã có 500 cuộc gọi báo tin
Việc phát lệnh truy nã toàn châu Âu như trên cũng bị chỉ trích vì cho là chưa có tiền lệ ở châu Âu trong nhiều năm qua với mức thưởng như thế nhưng phía an ninh Đức hi vọng khoản tiền lớn sẽ khiến cộng đồng người tị nạn chú ý để tìm tòi thông tin hữu ích.
Ở châu Âu hiện nay, trong số khoảng 40 kẻ đang bị truy nã chỉ có ba tên được treo thưởng với mức 2.900 euro - 10.000 euro.
Người dân ở Berlin tụ tập tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố vào tối 21-12 - Ảnh: AFP
Tuy nhiên theo đánh giá của ông Christophe Caupenne, cựu chuyên gia đàm phán của Lực lượng phản ứng nhanh của Pháp (RAID), thì một khi phía cảnh sát treo thưởng để bắt người “tức là đã gần như xác tín đó là hung thủ”.
Theo thông tin mới nhất thì cảnh sát Đức đã nhận được khoảng 500 tin báo liên quan hung thủ Amri và trong đó khoảng 80 được cho là đáng tin cậy.
Dĩ nhiên sau vụ việc mới thảm khốc này, một lần nữa chính sách mở cửa với người di cư của nữ Thủ tướng Angela Merkel lại hứng làn sóng chỉ trích mạnh mẽ.
Cánh hữu lại có dịp trưng ra những con số gây chú ý: Đức đã tiếp nhận 900.000 người tị nạn trong năm 2015 và 300.000 người khác trong năm nay.
Giờ đây ngay chính trong đảng Liên minh Dân chủ-Thiên chúa giáo (CDU) của bà Merkel cũng đã xuất hiện những phát ngôn cho rằng việc tiếp nhận người tị nạn đang gây ra mối nguy cho nước Đức.
Ông Klaus Bouillon, bộ trưởng Nội vụ vùng Saarland, người thuộc đảng CDU, nói thẳng:
“Ở cấp độ quốc gia, có một số lớn những người xin tị nạn mà chúng ta không hề biết họ đến từ đâu và tên họ là gì. Đó là một mối nguy rất lớn”.
Theo HOÀNG DUY LONG
Süddeutsche Zeitung/ Tuổi Trẻ