Chính sách đón nhận người tị nạn của bà Angela Merkel đã đẩy nỗi sợ hãi khủng bố của người dân dâng cao, khiến nền chính trị Đức lúc này không khác gì thùng thuốc súng chờ nổ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters
Nước Đức vừa thở phào nhẹ nhõm sau khi các cuộc điều tra ban đầu cho thấy vụ xả súng tại trung tâm thương mại ở thành phố München hôm 22/7 làm 9 người chết và 27 người bị thương không liên quan đến phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
Song bất kể động cơ của nghi phạm là gì, nó cũng đang khiến cơn bão tố chính trị dồn nén bấy lâu trong lòng xã hội Đức vì chính sách nhập cư và người tị nạn có thể bùng phát bất cứ lúc nào, theo Telegraph.
Nỗi bất an bao trùm trên khắp cả nước kể từ khi Thủ tướng Đức Angela Merkel quyết định mở cửa biên giới, đón nhận hơn một triệu người tị nạn vào mùa hè năm ngoái.
Tâm lý lạc quan từ cuộc vận động "chào đón người tị nạn" đã lắng xuống từ lâu và giờ đây, dân Đức đang sống trong nỗi sợ hãi.
Các nhà chính trị Đức có thể lập luận vụ tấn công ở München là hành động do một "con sói đơn độc" thực hiện, không liên quan đến IS, nhưng nó vẫn góp phần củng cố một cách nhìn nhận mới xuất hiện, cho rằng "Mutti yêu dấu" của nước Đức đã phạm sai lầm và làm tổn hại an ninh quốc gia, giới quan sát nhận định.
Mutti trong tiếng Đức nghĩa là người mẹ, biệt danh công chúng dành tặng cho bà Merkel.
Trả giá chính trị
Bình luận viên Nina Schick từ Telegraph nhận xét rằng sự căng thẳng ở Đức về vấn đề nhập cư hiện nay như thuốc nổ, trong khi tính cách kiên định, khó lay chuyển của Merkel không cho phép bà thừa nhận sai lầm. Điều này sẽ khiến bà phải trả giá chính trị ở cả trong nước lẫn tại Liên minh châu Âu (EU).
Đức thực tế chưa bị tổn thương quá nhiều trước làn sóng khủng bố của những kẻ cực đoan Hồi giáo.
Tuy nhiên, các vụ tấn công tình dục ở thành phố Cologne vào đêm giao thừa năm 2016 cùng hàng loạt vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris hay đâm xe kinh hoàng ở thành phố Nice của Pháp, xả súng ở Brüssels, hay mới đây nhất là vụ đánh bom tự sát do một người nhập cư thề trung thành với IS thực hiện ở Ansbach (Đức) đã góp phần gieo dự cảm xấu cho dân chúng Đức.
Hơn 3/4 người Đức tin rằng một vụ tấn công khủng bố quy mô lớn sắp xảy ra ở nước này, theo cuộc khảo sát do đài truyền hình quốc gia Đức ZDF tiến hành hồi tuần trước.
Những thay đổi ở Đức thời gian qua là chưa từng có tiền lệ và mọi người dường như đang bối rối trước bước chuyển biến này, Schick đánh giá. Năm 2015, lượng người nhập cư vào Đức tăng 49% lên con số hơn hai triệu.
Lần đầu tiên trong lịch sử, phần lớn những người mới đến Đức không phải là dân châu Âu.
Những nỗi lo lắng rất chính đáng về sự hòa nhập, kết cấu xã hội cũng như sự thay đổi nhanh chóng của nó đã bị phớt lờ. Trong khi đó, các cơ quan an ninh Đức liên tục cảnh báo những phần tử khủng bố đang giả dạng người tị nạn để thâm nhập vào châu Âu.
Thủ tướng Merkel năm ngoái một mực bảo vệ chính sách về người tị nạn. Bà khẳng định chính phủ Đức "sẽ quản lý được" cuộc khủng hoảng người tị nạn. Tuy nhiên, những lời cam kết là chưa đủ để trấn an người dân, chuyên gia bình luận.
Đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đối tác của đảng Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cầm quyền, từng đe dọa rút hết các bộ trưởng thuộc đảng này ra khỏi nội các nếu bà Merkel không thay đổi chính sách về người tị nạn.
Chủ tịch CSU Horst Seehofer gọi lập trường bà Merkel theo đuổi là "sự cai trị bất công", một cụm từ mang tính chính trị thường dùng để mô tả cách cầm quyền độc đoán.
Phe cực hữu trỗi dậy
Trước bối cảnh ấy, phe cực hữu ở Đức lại đang trỗi dậy mạnh mẽ bằng cách công kích những chính sách mở cửa mà bà Merkel áp dụng.
Mùa hè năm ngoái, đảng Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD) do nhiều giáo sư thành lập để phản đối những chính sách của Đức nhằm giải cứu những nền kinh tế ở khu vực đồng tiền euro, đã bị đặt dưới sự kiểm soát của các thành viên có lập trường chống nhập cư.
Kể từ đó, AfD, có mối liên hệ với phong trào cực hữu chống Hồi giáo Pegida, đã được coi là đảng lớn thứ ba của Đức và sẽ vượt ngưỡng 5% số phiếu bầu cần thiết để tham gia hạ viện vào năm 2017.
Đảng AfD đã làm chuyển biến bức tranh chính trị của nước Đức và giành nhiều thắng lợi quan trọng trong các cuộc bầu cử khu vực hồi tháng ba. Tại bang Sachsen-Anhalt, đảng AfD giành 24,4% số phiếu trong cuộc bầu cử hội đồng lập pháp, qua đó trở thành đảng lớn thứ hai ở bang này này sau đảng CDU.
Sau vụ xả súng ở München, Chủ tịch AfD Frauke Petry, người từng kêu gọi cảnh sát bắn những người nhập cư trái phép ở biên giới Đức, viết trên Twitter dòng thông điệp: "Nếu đây là năm 2016 bình thường thì tôi không muốn bình thường nữa".
Bình luận viên Schick cho rằng bà Merkel còn phải trả giá trước cả phần còn lại của châu Âu. Bà không thừa nhận đã tính toán sai lầm vào năm ngoái và kể từ đó không ngừng thúc đẩy "một giải pháp châu Âu" cho cuộc khủng hoảng người tị nạn. Nhưng bà vẫn đánh mất một phần ủng hộ chính trị rất lớn dành cho mình trong tiến trình này.
Lập trường của bà đặc biệt bị tổn hại khi Berlin nhất quyết thực hiện hạn ngạch bắt buộc để tái phân bổ người tị nạn khắp châu Âu.
Hạn ngạch trên, được Hội đồng châu Âu thông qua với đa số phiếu, đặt bà Merkel vào thế chống lại hầu hết các nước EU bởi những quốc gia Đông và Trung Âu không chấp nhận chính sách phân phối hạn ngạch người tị nạn.
Bà Merkel cũng là kiến trúc sư chính của thỏa thuận gây nhiều tranh cãi giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề người tị nạn.
Với những sự kiện gần đây xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là vụ đảo chính bất thành và cuộc thanh lọc bộ máy sau đấy, thỏa thuận này đang đứng bên bờ vực sụp đổ.
Mặt khác, nó cũng không được đa số công chúng Đức đón nhận.
Giới phân tích cho rằng "thùng thuốc súng" của nước Đức đang đẩy bà Merkel vào tình thế phải đấu tranh cho sinh mệnh chính trị của mình.
"Sự nghiệp của bà sẽ không có cơ hội kéo dài trừ phi bà đặt mình đứng ở vị trí người dân Đức và bắt đầu thể hiện thái độ thành thật về vấn đề nhập cư", Schick nhận định.
Nguyễn Hoàng Oanh
Theo F.A.Z