Tạp chí Spiegel của Đức hôm 19/9 đã đăng bài bình luận của chuyên gia Veit Medick lý giải động cơ khiến Mỹ buộc phải đàm phán và dịu giọng với Nga.
Theo Spiegel, cuộc khủng hoảng Ukraine khiến quan hệ quân sự Nga - Mỹ “đóng băng”, còn về vấn đề Syria Nga –Mỹ đang duy trì quan điểm đối lập.
Tạp chí Đức khẳng định, động cơ khiến Mỹ khôi phục quan hệ với Nga liên quan đến hàng loạt các vấn đề đối nội và đối ngoại của Mỹ:
Thứ nhất, không ngoại trừ nguyên nhân là do Mỹ quan ngại bài phát biểu sắp tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, trong đó hứa hẹn Tổng thống Nga sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế thành lập liên minh quy mô lớn chống lại nhóm khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS).
Hiện nay, Moscow đang tích cực tham gia vào một chiến dịch ngoại giao để thuyết phục các quốc gia khác. Theo kế hoạch, Tổng thống Nga Putin sẽ làm việc với Liên Hợp Quốc để tạo ra một nền tảng cho cuộc đối thoại, trong đó tất cả các thành viên sẽ có tiếng nói của mình.
Ngay sau đó, ông sẽ quyết đưa vấn đề Syria ra Đại hội đồng Liên Hợp quốc và cuộc họp với vua Ả Rập Xê Út, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu và có thể là cả với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Thứ hai, hiện nay Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chịu áp lực lớn và chỉ trích mạnh mẽ từ ngay trong nước Mỹ.
Một số nhà phê bình cho rằng, Washington không nên tham gia vào vấn đề Syria, trong khi đó, một số người khác lên tiếng phản đối chính sách của Mỹ hiện nay đối với vấn đề Syria là quá “hời hợt”. Cả hai phe này đều cho rằng, kế hoạch không kích vào sào huyệt IS và huấn luyện lực lượng đối lập Syria của Mỹ đã thất bại.
Tạp chí Spiegel nhận định, hiện vẫn chưa rõ những bước đi cụ thể sau việc khôi phục quan hệ giữa Moscow và Washington. Tuy nhiên, có thể giống như trước đây, các cuộc đàm phán lần này chỉ đơn thuần là “các cuộc đàm phán mang tính xây dựng” và là một nỗ lực để hai bên khám phá lẫn nhau.
Còn nhớ cách đây vài tuần, chính quyền tổng thống Obama liên tiếp lên án và cáo buộc việc Nga thực hiện các kế hoạch viện trợ quân sự cũng như đưa các chuyên gia quân sự và chuyên viên kỹ thuật từ Moscow sang quốc gia Trung Đông để hỗ trợ nước này.
Thậm chí, trong buổi điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hôm 15/9 vừa qua, Ngoại trưởng Kerry còn đưa ra lời cảnh báo với rằng nếu những thông tin được báo chí đăng tải gần đây là đúng sự thật, thì sự xuất hiện của quân đội Nga “có thể làm leo thang giao tranh tại Syria, làm tăng số dân thường thiệt mạng, đẩy làm sóng di cư tăng nhanh và nguy cơ đối đầu quân sự với nhóm liên minh chống IS đang hoạt động tại Syria”.
Tuy nhiên, tình hình Syria đột biến và phức tạp khiến Washington phải xét lại cách tiếp cận hiện hành, điều mà người ta không thể nghĩ tới chỉ cách đây vài tuần. Mỹ đã phải “nói chuyện” với Nga về tình hình Syria, cả về ngoại giao lẫn quân sự.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest, hôm ngày 16/9 cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ trực tiếp trao đổi với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để kêu gọi Nga hợp tác với liên minh 60 nước do Mỹ đứng đầu đang chiến đấu chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.
Hai ngày sau đó, Mỹ và Nga đã khôi phục lại các cuộc tiếp xúc theo kênh quốc phòng và nhất trí tiếp tục các cuộc tham vấn.
Theo đó, hai Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ và Nga đã lần đầu hội đàm sau hơn một năm, trong đó thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria trong bối cảnh Moscow tăng cường quân sự tại quốc gia Trung Đông làm gia tăng khả năng hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh này hạn chế hợp tác.
Sự hợp tác bền vững giữa Moscow và Washington sẽ phụ thuộc rất nhiều vào số phận của ông Assad. Hiện nay, ông Putin luôn duy trì quan điểm không từ bỏ mục đích giữ vững chế độ cầm quyền Assad, trong khi đó dường như Tổng thống Obama chưa chắc đã muốn thay đổi chính sách của mình đối với vấn đề Syria.
Hoàn Nguyễn (Tổng hợp)