Ðức cần cắt giảm các khoản chi tiêu xã hội, quốc tế và một số trợ cấp để lấp đầy “khoảng trống” 17 tỉ euro (18,5 tỉ USD) trong ngân sách năm 2024.
Ðây là nhận định của Bộ trưởng Tài chính Ðức Christian Lindner (ảnh) đưa ra trong trả lời cuộc phỏng vấn tập đoàn truyền thông Funke ngày 2-12.
Hiện Bộ trưởng Lindner và các đối tác trong liên minh cầm quyền của ông đang đàm phán kỹ về các biện pháp nhằm lấp đầy “khoảng trống” trong ngân sách năm 2024 sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp vào tháng trước. Theo đó, tòa án nhận thấy quyết định của chính phủ liên minh phân bổ lại 60 tỉ euro chưa sử dụng trong đại dịch COVID-19 sang quỹ biến đổi khí hậu là vi hiến.
Phán quyết này cũng ảnh hưởng đến các quỹ ngoài ngân sách khác mà Ðức đã áp dụng trong nhiều năm để tài trợ cho chính sách của chính phủ nhằm tuân thủ chính sách “phanh nợ” mà Berlin tự áp đặt nhằm hạn chế mức thâm hụt công vượt quá 0,35% GDP.
Chính sách “phanh nợ” của Ðức được áp dụng từ năm 2009, dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chính sách này được miễn thực thi trong giai đoạn 2020-2022 để có thể gia tăng các khoản chi tiêu công khẩn cấp đối phó với cuộc khủng hoảng. Năm 2023, chính sách này được áp dụng trở lại và đây là lý do Tòa án Tối cao Ðức không chấp nhận chuyển đổi mục đích sử dụng số tiền 60 tỉ euro nói trên.
Sau phán quyết của tòa án, chính phủ liên minh do Thủ tướng Olaf Scholz đứng đầu đã đình chỉ hầu hết các dự án được tài trợ thông qua Quỹ biến đổi khí hậu và “đóng băng” các khoản chi tiêu mới trong thời gian còn lại của năm 2023.
Phán quyết trên của tòa án được cho là có thể tiếp tục tác động đến kế hoạch tài chính thậm chí cho đến năm 2027.
PHƯƠNG HOA