Các đảng phái ở Đức đã nhất trí sẽ bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán thăm dò thành lập chính phủ liên minh.

 

Hôm 20/12, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và Liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) cho biết, các bên đã nhất trí sẽ bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán thăm dò thành lập chính phủ liên minh từ ngày 7/1/2018  đến ngày 12/1/2018.

Cánh cửa cho lối thoát chính trị tại Đức - 0

Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Martin Schulz. Ảnh: Europaparlament

 

Động thái này diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tại Đức vẫn chưa thể chấm dứt sau khi việc thành lập liên minh giữa liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) với đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh thất bại hôm 19/11 vừa qua.

Quyết định tiến hành các cuộc đàm phán thăm dò thành lập chính phủ liên minh tại Đức được đưa ra trong một tuyên bố chung sau cuộc thảo luận không chính thức kéo dài giữa Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Martin Schulz, Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ, Thủ tướng Angela Merkel và nhà lãnh đạo đảng Xã hội Cơ đốc giáo Horst Seehofer cùng nhiều quan chức cấp cao khác của cả ba bên.

Tại cuộc gặp, lãnh đạo các bên đã nhất trí tiến hành các cuộc đàm phán thăm dò kéo dài 4 ngày, bắt đầu vào ngày 7/1/2018 với 15 chủ đề thảo luận, trong đó bao gồm các vấn đề liên quan đến tài chính/thuế, kinh doanh, năng lượng, gia đình và di cư, hội nhập...

Thủ tướng Đức Merkel, Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ cho biết:

"Chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc thảo luận cho đến giữa tháng 1. Các vấn đề châu Âu chắc chắn có trong chương trình nghị sự và vấn đề chúng tôi quan tâm là thành lập liên minh sẽ được đàm phán sớm sau đó. Tôi nghĩ rằng, có khả năng chúng tôi sẽ thành công trong cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh với Đảng dân chủ xã hội”.

Kể từ sau cuộc tổng tuyển cử ngày 24/9 đến nay, nước Đức đã rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị khi chưa thể thành lập được chính phủ. Đây có thể nói là thời khắc khó khăn kéo dài nhất đối với nền kinh tế đầu tàu châu Âu này kể từ năm 1949.

Hiện Liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo của Thủ tướng Merkel đang hy vọng thành lập một chính phủ "đại liên minh" với đảng Dân chủ Xã hội nhằm chấm dứt bế tắc chính trị tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.

Sau thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang vừa qua, đảng Dân chủ Xã hội đã tính đến giải pháp cải tổ sâu rộng, rời bỏ chính phủ đại liên minh để trở thành đảng đối lập.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ Xã hội phải chịu sức ép quay trở lại đàm phán với bà Merkel sau khi Liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo thất bại trong việc đàm phán thành lập chính phủ với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do, điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị Đức.

Tuy không bị áp đặt thời hạn theo Hiến pháp để thành lập chính phủ liên minh, nhưng Thủ tướng Merkel vẫn hối thúc "các cuộc đàm phán nhanh" hướng tới "một chính phủ ổn định".

Bà đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của "một nước Đức hành động", trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang dâng cao tại nhiều quốc gia châu Âu, nước Mỹ có một vị tổng thống khó lường như ông Donald Trump và Đức cùng Pháp phải thể hiện "vai trò trung tâm" trong công cuộc cải cách và thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Merkel nêu rõ "một chính phủ ổn định là cơ sở tốt nhất" để thể hiện vị thế trên trường quốc tế.

Theo kết quả thăm dò dư luận do Viện nghiên cứu Emnid mới đây thực hiện cho thấy, có tới 52% người được hỏi ủng hộ liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo/Xã hội Cơ đốc giáo và đảng trung tả Dân chủ Xã hội tiếp tục liên minh cầm quyền như hiện nay.

Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng có được một Chính phủ Đức ổn định để Liên minh châu Âu có thể bàn thảo các vấn đề tương lai, trong đó có đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc cải tổ khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit

Nguồn: Vũ Anh Tuấn

VOV-




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC