Ngày 17-10, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC), trên 50% các nước thành viên . Nhiều nước có số người mắc vi rút SARS-CoV-2 trung bình mỗi ngày trong vòng 14 ngày qua là trên 50 ca/100.000 dân.
Châu Âu
Ukraine thông báo có thêm 5.992 ca nhiễm mới vi rút SARS-CoV-2, đưa tổng số ca mắc lên tới 287.231 ca, trong đó có 5.394 ca tử vong. Kể từ đầu tháng này, hầu hết ngày nào Ukraine cũng ghi nhận số ca nhiễm mới vi rút SARS-CoV-2 trung bình trên 5.000 ca. Trước tình trạng số ca lây nhiễm đang gia tăng mạnh, chính phủ nước này đang lên kế hoạch gia hạn các biện pháp phong tỏa cho tới cuối năm nay.
Diễn biến dịch Covid-19 tại châu Âu tiếp tục phức tạp.
Trong khi đó, Croatia lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày vượt ngưỡng 1.000 ca.
Cụ thể đã có thêm 1.313 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua tại quốc gia này, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 23.665 ca, trong đó có 345 ca tử vong. Litva cũng ghi nhận thêm 255 ca mắc Covid-19, đưa tổng số ca mắc lên 6.760 ca, bao gồm 110 ca tử vong và 2.983 ca được chữa khỏi. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất tại Litva kể từ khi nước này xác nhận ca mắc đầu tiên vào cuối tháng 2 năm nay.
Đó là chưa kể nhiều nước khác vẫn ghi nhận số ca mắc mới tăng cao như Tây Ban Nha là 13.300 ca mắc và 140 trường hợp tử vong, Ba Lan là 7.705 ca mắc và 132 người tử vong...
Trong bối cảnh số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tiếp tục gia tăng, một số nước đã siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch.
Chính phủ Bỉ đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Ủy ban chuyên trách về Covid-19, bao gồm các thành viên nội các Bỉ và đại diện chính phủ của các vùng trên toàn nước Bỉ.
Sau hơn 4 giờ tranh luận căng thẳng, Ủy ban đã ban hành một loạt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt kể từ ngày 19-10 nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh vốn đe dọa gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về y tế tại “trái tim của châu Âu” này.
Theo quy định mới được ban bố, mỗi cá nhân chỉ được phép tiếp xúc gần với một người ngoài thành viên trong gia đình của mình.
Ngoài ra, mỗi 2 tuần, mỗi gia đình chỉ được phép mời tối đa 4 người tới nhà riêng, nhưng phải tuân thủ các quy định về phòng dịch (khoảng cách an toàn 1,5m và phải đeo khẩu trang).
Các quán bar, nhà hàng, quán cà phê sẽ phải đóng cửa trong vòng một tháng. Việc bán đồ uống có cồn cũng sẽ bị cấm sau 20h hằng ngày. Chính phủ cũng sẽ thiết lập lệnh giới nghiêm từ 12h đêm tới 5h sáng.
Serbia đã yêu cầu người dân buộc phải đeo khẩu trang vào mọi lúc khi rời khỏi nhà và ban hành một số biện pháp khác nhằm ứng phó với tình trạng lây nhiễm.
Cùng ngày, vùng Kozani đông dân cư ở miền Bắc Hy Lạp đã bị áp đặt trở lại lệnh phong tỏa sau khi ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới trong tháng này. Các biện pháp hạn chế sẽ có hiệu lực cho đến ngày 29-10.
Trong một tuyên bố, Cơ quan bảo vệ công cộng của Hy Lạp nêu rõ: "Đeo khẩu trang là quy định bắt buộc ở mọi nơi làm việc cả trong nhà và ngoài trời, tất cả các cuộc tụ tập đều bị hoãn lại và người dân bị cấm rời khỏi khu vực này". Bên cạnh đó, phần lớn các cơ sở kinh doanh, trong đó có nhà hàng, rạp chiếu phim, tòa án, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng làm tóc và phòng tập thể dục đều phải đóng cửa.
Nguồn: hanoimoi