Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ôtô ở Sindelfingen, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 31/1, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết Đức vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với những lao động nước ngoài có tay nghề mặc dù những người này thừa nhận phải đối mặt với tình trạng phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử trong cuộc sống hằng ngày.
Theo OECD, sau khi theo dõi nghề nghiệp của 30.000 người có trình độ cao muốn đến Đức với tư cách là lao động nhập cư kể từ tháng 8/2022, mức độ sẵn lòng chuyển đến nước này của họ không những không suy giảm mà còn tăng lên theo thời gian.
Khoảng 92% người tham gia cuộc khảo sát sống ở nước ngoài và vẫn quan tâm đến việc chuyển đến Đức.
Tuy nhiên, những người đã chuyển đến Đức cho biết họ phải đối mặt với nhiều hành vi phân biệt đối xử hơn họ nghĩ.
Ông Thomas Liebig tại OECD cho biết nhiều người lao động nước ngoài tham gia khảo sát đã phàn nàn về những trải nghiệm bị phân biệt đối xử, đặc biệt là khi họ tìm chỗ ở và ở các địa điểm công cộng.
Hơn một nửa số người được hỏi đã chuyển đến Đức cho biết họ đã bị phân biệt đối xử vì nguồn gốc của mình khi cố gắng thuê hoặc mua nhà hay căn hộ. Nỗi sợ hãi đó thấp hơn, khoảng 33%, đối với những người chưa chuyển đến Đức.
Khoảng 37% số người được hỏi cũng cho biết đã xảy ra sự cố phân biệt đối xử khi đến các nhà hàng hoặc cửa hàng.
Nền kinh tế Đức chủ yếu phụ thuộc vào lao động nước ngoài, điều này được nhấn mạnh thông qua những số liệu được Cơ quan Việc làm liên bang Đức công bố.
Số liệu trong tháng 11/2023 cho thấy số lượng nhân viên phải đóng góp cho an sinh xã hội tăng 0,6% lên 35,1 triệu người chủ yếu là do người lao động từ các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu./.