Được thành lập vào năm 2013, sau quá trình bứt phá, Đảng cực hữu AfD đang trở thành nỗi bất an không chỉ đối với nước Đức mà còn cả Châu Âu.
Sự bứt phá “ngoạn mục” của Đảng cực hữu AfD
Khi Đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD) được thành lập vào tháng 4/2013, người ta cứ nghĩ rằng đó chỉ là một đảng phái “vô danh” và không có tiếng nói chính trị.
Tuy nhiên, không ai có thể ngờ rằng, AfD lại có thể vươn lên trở thành một đảng phái lớn thứ ba trong Quốc hội Đức 4 năm sau đó.
Trong cuộc bầu cử liên bang năm 2013, Đảng cực hữu AfD chỉ giành được 4,7% số phiếu bầu. Năm 2014, Đảng này nhận được 7,1% số phiếu bầu và 7 trong số 96 ghế của Đức trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu.
Có thể nói, “cơn địa chấn” ở nước Đức bắt đầu xảy ra khi trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang khóa 2017 – 2021, AfD, Đảng cực hữu theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và thậm chí là có phát xít hóa khi có quan điểm chống Hồi giáo, chống nhập cư, lại giành tới 13% phiếu bầu - tương đương 94 trong tổng 631 ghế Quốc hội và vươn lên thành thế lực chính trị lớn thứ ba ở Đức.
Đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nước Đức - quốc gia vốn bị ám ảnh bởi “bóng ma” phát xít trong quá khứ - lại có tới 94 nghị sĩ đại diện cho một đảng dân túy cực hữu trong Quốc hội Liên bang.
Foto: DPA
Theo nhận định của giới phân tích, thắng lợi bất ngờ của Đảng AfD đánh dấu “thời khắc biến động” trong lịch sử của quốc gia đầu tàu Châu Âu.
AfD – mối nguy tiềm tàng đối với nước Đức và Châu Âu
Ngay từ lúc AfD giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 9/2017, người ta đã dự đoán Đảng cực hữu này sẽ là thách thức đáng gờm đối với nhiệm kỳ Thủ tướng Đức lần thứ 4 của bà Angela Merkel.
Và quả đúng như vậy, Thủ tướng Angela Merkel hiện đang đối mặt với thách thức chính trị lớn nhất trong suốt 12 năm cầm quyền, thậm chí còn đe dọa tới vị trí người đứng đầu chính phủ Đức.
Hôm 19/11, người dân nước Đức chứng kiến một điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước này khi các chính đảng không đạt được thỏa thuận để hình thành một chính phủ liên minh mới lãnh đạo đất nước.
Theo đó, cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh giữa Đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) theo đường lối thân thiện với doanh nghiệp và Đảng Xanh chủ trương bảo vệ môi trường đã thất bại nặng nề khi FDP tuyên bố rút lui khỏi cuộc đàm phán vì không tìm được “tiếng nói chung” trong nhiều vấn đề.
Nước Đức đứng trước hai con đường:
Một là, Thủ tướng Angela Merkel sẽ thành lập chính phủ thiểu số. Tuy nhiên, bà Merkel có thể sẽ không chọn con đường này. Trên thực tế, mô hình chính phủ thiểu số khá phổ biến ở các nước khác nhưng lại chưa có tiền lệ được áp dụng đối với cấp liên bang ở nước Đức.
Hai là, một cuộc tổng tuyển cử mới sẽ được tổ chức. Tổng thống Đức Steinmeier trước hết sẽ tuyên bố giải tán Quốc hội liên bang và kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử mới.
Tuy nhiên, bản thân các chính đảng ở Đức cũng không mong muốn kịch bản này xảy ra do lo ngại Đảng AfD có cơ hội giành thêm ghế tại cơ quan lập pháp Đức.
Nguồn: Kiến thức