Những người có dự định bay đến Đức trong khoảng thời gian nà y, kể cả khách du lịch, đều cần phải cân nhắc lại lịch trình.
Sân bay Munich và sân bay quốc tế Frankfurt, hai trong số các sân bay lớn nhất của đất nước này đã phải đình chỉ nhiều chuyến bay. Cùng lúc đó, các dịch cụ đường sắt cũng đang bị hủy bỏ bởi nhà điều hành là Công ty cổ phần Đường sắt Đức, Deutsche Bahn. Hành khách có vé di chuyển tại các địa điểm diễn ra đình công, kể cả các du khách quốc tế, có khả năng phải đối mặt với nguy cơ chậm chuyến hoặc tệ hơn là bị hủy chuyến.
Chủ tịch liên đoàn vận tải và đường sắt EVG, ông Martin Burkert chia sẻ rằng, đến thời điểm hiện tại, người sử dụng lao động vẫn chưa đưa ra bất cứ một giải pháp khả thi nào.
Ông cũng cảnh báo thêm, nếu tình trạng này tiếp diễn, các cuộc đình công sẽ có thể bùng nổ mạnh mẽ hơn nữa, kể cả trong khoảng thời gian nghỉ lễ Phục sinh sắp tới.
Được biết, nguyên nhân gây “tê liệt” giao thông tại Đức bắt nguồn từ cuối tuần qua, khi công đoàn Verdi, tổ chức công đoàn ngành dịch vụ hàng đầu tại Đức, cùng liên đoàn vận tải và đường sắt EVG đã kêu gọi người lao động đình công và đứng lên biểu tình bởi giá lương thực và năng lượng tại quốc gia này đang ngày một tăng cao, làm giảm mức sống thực của người dân.
Hưởng ứng lời kêu gọi, rất nhiều nhân viên tại các sân bay lớn và nhân viên giao thông công cộng đã đồng lòng đình công nhằm gây sức ép với người sử dụng lao động để được tăng lương và đảm bảo các quyền lợi lao động hợp pháp của mình.
Sân bay tại Đức phải hủy bỏ một số chuyến bay do đình công.
Hiện công đoàn Verdi đang tiến hành đàm phán thay cho khoảng 2,5 triệu nhân viên giao thông công cộng và nhân viên tại các sân bay; trong khi liên đoàn vận tải và đường sắt EVG sẽ lên tiếng cho khoảng 230.000 nhân viên tại Công ty cổ phần Đường sắt Đức Deutsche Bahn cùng các công ty xe buýt.
Ông Frank Werneke, Chủ tịch công đoàn Verdi, nhận định rằng đối với mỗi cá nhân người lao động, cuộc biểu tình có ý nghĩa như sự sống còn đối với họ, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao.
Theo đó, giá tiêu dùng tại Đức ghi nhận tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia vào tháng 2 vừa rồi.
Mặc dù Ngân hàng Trung ương châu Âu đang tìm cách tiết chế lạm phát bằng một loạt các đợt tăng lãi suất, song áp lực chi phí vẫn không có dấu hiệu giảm xuống.
Bảo Anh