Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius và người đồng cấp Litva, Arvydas Anusauskas vừa ký thỏa thuận cho phép triển khai quân đội thường trực Đức ở Litva, quốc gia nằm giáp với vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga.
Theo đó, ông Pistorius ngày 18/12 đã có mặt tại Vilnius để ký một thỏa thuận nhằm củng cố các điều kiện để 4.800 quân Đức cùng với 200 nhân viên dân sự sẽ đóng quân tại quốc gia vùng Baltic này.
Quyết định trên, được ông Pistorius mô tả là "lịch sử", đánh dấu việc triển khai thường trực đầu tiên của quân đội Đức ra nước ngoài kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai.
Việc triển khai một lữ đoàn gồm gần 5.000 binh sĩ Đức sẽ bắt đầu vào năm 2024 và đạt đủ sức mạnh vào năm 2027.
Động thái này nhằm mục đích tăng cường sự hiện diện của NATO ở sườn phía Đông với Nga, và đây là "nghĩa vụ của Đức phải bảo vệ", ông Pistorius phát biểu. Quan chức Đức cũng nhấn mạnh: “Với lữ đoàn sẵn sàng chiến đấu này, chúng tôi đang đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo trong liên minh và sườn phía đông của NATO”, đồng thời cho biết thêm: “Tốc độ của dự án cho thấy rõ ràng rằng Đức hiểu thực tế an ninh mới”.
Kế hoạch triển khai được công bố lần đầu tiên vào tháng 6/2023. Theo tờ Politico, lực lượng Đức sẽ tới Litva là một lữ đoàn xe tăng bọc thép mới, đóng tại khu vực mà các chiến lược gia Litva coi là có nguy cơ bị tấn công.
Foto: Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Litva Gitanas Nauseda thăm quân đội Đức thuộc Nhóm chiến đấu hiện diện tiền phương tăng cường NATO ở Pabrade, Litva ngày 7/6/2022. Ảnh: Reuters
Theo giới chuyên gia, cuộc xung đột ở Ukraine đang thúc đẩy Đức phải làm một điều chưa từng có - triển khai thường trực hàng nghìn quân chỉ cách biên giới với Nga khoảng 100 km và ngay trong vùng hỏa lực nếu một cuộc tấn công nổ ra nhằm vào lãnh thổ NATO.
Cuộc chiến ở Ukraine đã đảo ngược tư duy quân sự ở Berlin - thúc ép các tướng lĩnh và chính trị gia phải hành động với tốc độ khác thường.
Trong một dấu hiệu cho thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với quân đội Đức, một trong những đơn vị sẽ cấu thành lữ đoàn mới thành lập (để sang Litva) là Panzerbatallion 203, đóng tại Augustdorf, bang North Rhine-Westphalia, nhưng đơn vị thiết giáp đó đã bàn giao toàn bộ xe tăng Leopard 2 của mình cho Ukraine và đang chờ đợt giao hàng mới để thay thế.
Bộ trưởng Pistorius cho biết đơn đặt hàng xe tăng thay thế cho lữ đoàn 203 đã được thực hiện, và sau khi được chế tạo, chúng sẽ được chuyển thẳng đến Litva.
Nhưng nếu không có kế hoạch cung cấp tài chính dài hạn đầy đủ và không có hệ thống chiến đấu chủ lực Leopard 2, lữ đoàn ở Litva "thậm chí sẽ không sẵn sàng phòng thủ” – ông Roderich Kiesewetter, một chính trị gia thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo đối lập và là một đại tá quân đội Đức đã nghỉ hưu, cảnh báo.
Aylin Matlé, một thành viên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cho biết: “Kết luận là việc bổ sung [Leopard 2] được tăng tốc” trước khi triển khai, hoặc Lữ đoàn Panzer 203 có thể được gửi đến Litva “mà không có hệ thống chiến đấu chính của họ”.
Bên cạnh đó, còn có những lo lắng về việc triển khai như thế nào phù hợp với tình hình tài chính công căng thẳng của Đức.
Ông Pistorious cho biết một đơn vị giống như đơn vị được gửi đến Litva – có tên là Panzerbrigade 42 – có chi phí bảo trì từ 25 đến 30 triệu euro mỗi tháng ở Đức. Những đơn vị đầu tiên sẽ được triển khai vào năm tới và toàn bộ lữ đoàn dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2027 ở Litva.
Trong khi đó, Laurynas Kasčiūnas, người đứng đầu ủy ban quốc phòng và an ninh quốc gia của quốc hội Litva, nói với các phóng viên rằng Litva sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất cho các căn cứ, chi khoảng 0,3% GDP trong những năm tới.
Hiện tại, quân đội Đức có thể dựa ít nhất một phần vào quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro để bổ sung cho ngân sách quốc phòng thường xuyên. Tuy nhiên, ông Kiesewetter cho biết ông lo lắng về việc tiền sẽ "cạn kiệt" sớm hơn dự đoán do lạm phát ăn vào quỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Pistorius cũng lưu ý: “Chúng ta sẽ phải làm rõ từ năm 2027, khi quỹ đặc biệt đã được sử dụng hết, làm thế nào để đạt được mục tiêu 2% [GDP - mục tiêu chi tiêu quân sự của NATO]”. “Tính bền vững là yếu tố quyết định nếu chúng ta muốn duy trì khả năng răn đe và phòng thủ trong vài năm tới, điều mà chúng ta phải có”.
Nhưng bất kể lo lắng về trang thiết bị và tiền bạc, Berlin vẫn cam kết triển khai quân đội thường trực tới Litva, nỗ lực mà chính phủ Đức gọi là "dự án ngọn hải đăng", báo hiệu sự sẵn sàng bảo vệ các đồng minh NATO và biến quân đội Đức (Bundeswehr) thành lực lượng "sẵn sàng chiến tranh".
“Sườn phía đông hiện đã chuyển sang phía đông và nhiệm vụ của Đức là phải bảo vệ nó”, ông Pistorius nói.
Hiện tại, hoạt động triển khai ở Litva của Đức là một trong tám nhóm chiến đấu Hiện diện Tiền phương được tăng cường luân phiên do NATO thành lập tại các quốc gia dọc theo biên giới phía đông. Đức là quốc gia dẫn đầu ở Litva, cùng với Bỉ, Cộng hòa Séc, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy và Mỹ cũng đóng góp binh sĩ.
Đơn vị mới sẽ đặt trụ sở tại hai địa điểm - Rukla gần thành phố lớn thứ hai Kaunas của Litva và Rūdninkai gần thủ đô Vilnius.
Những căn cứ đó đặt các đơn vị Đức ở rất gần Hành lang Suwalki - dải đất liền duy nhất kết nối 3 nước Baltic gồm Litva, Latvia và Estonia với phần còn lại của NATO. Đây cũng là dải đất hẹp nối liền vùng đất ngoại lãnh thổ Kaliningrad của Nga và đồng minh thân cận Belarus, và được xem là điểm xung yếu nếu xảy ra xung đột giữ Nga và NATO.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Politico, Kyiv Independent)