Nhiều doanh nghiệp Đức đang mở rộng tuyển sinh từ các trường cao đẳng Việt Nam để giải quyết tình trạng khan hiếm lao động. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn là ngôn ngữ.

1 Duc Thieu Hut Lao Dong Tram Trong Sinh Vien Viet San Sang Nhung Van E Ngai Tieng Duc

Chứng chỉ TELC một loại bằng cấp về sử dụng tiếng Đức phục vụ các hoạt động học tập, làm việc hay du lịch tại Cộng hòa Liên bang Đức

Tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề tại Đức đang trở nên ngày càng nghiêm trọng. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo (CHLB Đức), vào tháng 8-2024, có tới 33,8% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng. Trước đó, con số này là 34,9% vào tháng 4 cùng năm.

Dữ liệu từ Cơ quan Việc làm Liên bang Đức cho thấy, trong một số ngành như xây dựng, doanh nghiệp phải chờ trung bình đến 281 ngày để tìm được ứng viên phù hợp. Đặc biệt, năm 2024 ghi nhận đến 69.400 vị trí học nghề không có người đăng ký.

Việt Nam trở thành điểm đến mới trong tuyển dụng

Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp Đức đã chuyển hướng sang các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Ông Matthias Kaiser – giám đốc điều hành Tập đoàn Avestos HR UG (Đức) – cho biết tập đoàn của ông đang ký kết với các trường cao đẳng Việt Nam để tuyển sinh, đào tạo nghề và đưa sinh viên sang làm việc tại Đức. Sinh viên ngay từ khi vào học đã có thể ký hợp đồng lao động và sẵn sàng sang Đức làm việc sau khi tốt nghiệp.

Hiện có nhiều chương trình đào tạo nghề theo chuẩn kép của Đức, với sự phối hợp giữa chính phủ hai nước. Sinh viên được đào tạo các ngành như cơ khí cắt gọt, cơ điện tử, điện công nghiệp và cơ khí xây dựng. Trong năm 2023, đã có khoảng 4.000 người Việt sang Đức học nghề, chiếm tới 80% tổng số du học sinh Việt tại Đức.

Rào cản lớn nhất: ngôn ngữ

Dù nhu cầu từ phía Đức rất lớn và sinh viên Việt cũng có nhiều tiềm năng, nhưng tiếng Đức vẫn là “nút thắt” đáng lo ngại. Ông Trần Anh Tuấn – phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM – cho biết nhiều học viên chia sẻ rằng tiếng Đức là trở ngại lớn nhất khiến họ e dè.

Không giống tiếng Anh vốn phổ biến trong hệ thống giáo dục Việt Nam, tiếng Đức vẫn còn khá xa lạ với học sinh phổ thông. Đa số người học chỉ bắt đầu học tiếng sau khi tốt nghiệp THPT, trong khi yêu cầu của các chương trình du học nghề thường đòi hỏi trình độ B1 hoặc B2 trong vòng 9-12 tháng.

Nhiều học viên dù có chứng chỉ Goethe hay Telc vẫn trượt phỏng vấn do thiếu phản xạ giao tiếp thực tế. Không ít trường hợp còn bị trượt visa hoặc phải sang Đức học lại tiếng từ 6-12 tháng vì không đạt yêu cầu ngoại ngữ.

Bắt đầu từ sớm, học đúng cách

Theo ông Trần Thanh Hải – hiệu trưởng Trường cao đẳng Viễn Đông – điều quan trọng là cần có kế hoạch học tiếng từ sớm. Lý tưởng nhất là bắt đầu từ lớp 10 hoặc 11 để có thời gian làm quen với phát âm, ngữ pháp và tư duy tiếng Đức, thay vì học cấp tốc sau khi tốt nghiệp.

Ông Nguyễn Đắc Hoàn – giám đốc Công ty CP Devis – nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học đều cả bốn kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Đặc biệt, rèn luyện phản xạ giao tiếp là yếu tố then chốt để thích nghi nhanh trong môi trường làm việc tại Đức.

Học viên có thể kết hợp học qua ứng dụng, lớp học trực tuyến hoặc tham gia các câu lạc bộ giao tiếp nếu có điều kiện. Việc giao lưu, học hỏi từ những người từng du học nghề tại Đức cũng sẽ giúp giảm bớt lo lắng và tạo thêm động lực học ngoại ngữ.

Phạm Hương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC